Tác giả trò chuyện cùng CCB Vũ Trung Tính tại khu vực Gành Hào (Cà Mau)
Lần đầu tiên tôi đến với vùng biển đảo Hạ Long là khi làm chương trình “Hướng về quê Thanh” phát trên sóng của Đài PT&TH Thanh Hóa. Nơi đây, tôi được tiếp xúc với nhà thơ Nguyễn Ngọc Sính - Nguyên Giám đốc Trung tâm cấp cứu mỏ Quảng Ninh. Ông bị bệnh tim và thường ít đi đâu xa nhà, ít tham gia các hoạt động gây cảm xúc mạnh. Nhưng vì lâu mới được gặp người quê Thanh Hóa, bản thân lại là nhà thơ, nên khi có “cạ” văn nghệ sỹ, ông rất quý và quyết tâm mời bằng được chúng tôi ra thăm cảnh đẹp Vịnh Hạ Long. Hai phóng viên đài PT&TH Thanh Hóa cùng hai ông cháu của nhà thơ, nhưng ông điện cho cô con gái đặt riêng một chuyến tàu. Tôi đoán chắc là chiếc ca nô máy hoặc thuyền nhỏ thôi, ai ngờ khi xuống cảng, tôi “hoảng hồn” khi thấy một chiếc tàu du lịch lừng lững 40 chỗ ngồi ghé mũi vào đón. Chi phí cho chuyến tàu đó là một khoản không nhỏ so với túi tiền một nhà thơ - cán bộ về hưu, nhưng vì lòng nhiệt tình với chúng tôi và cũng muốn thoải mái để trò chuyện, nên ông không quản. Thế mới biết độ phóng khoáng của người “trai sông Mã” này, tư chất ấy hiện lên trong thơ ông rất rõ. Chúng tôi thăm Vịnh Hạ Long hết một buổi chiều, vừa ngắm cảnh, vừa trò chuyện và nghe ông đọc thơ. Tôi ấn tượng nhất với bài “Trai Sông Mã” của ông, với những ngôn từ vừa khẩu khí vừa đằm sâu: “Trai Sông Mã đội đá vá trời/Nhưng khi yêu thì nồng nàn bốc lửa/Miệng nói nên thơ cũng câu ngang câu ngửa/Vẫn đậm đà bản sắc một vùng quê/Có giặc là đi thắng lợi trở về Khi ngã xuống lại hóa mình vào sóng/Để vỗ suốt đôi bờ dài rộng/Chuyển phù sa cho biển sáng vĩnh hằng/Từ bao đời vua chúa đến thảo dân/Nhiều người từng là trai sông Mã…”
Chính từ cảm xúc của bài thơ “Trai Sông Mã” này, mà tôi đã viết nên bài thơ “Gái quê Thanh” để cùng xướng - họa hình tượng người xứ Thanh với nhà thơ Nguyễn Ngọc Sính. Sau đó, hữu duyên làm sao, cả hai bài được chọn đăng trong cùng một số xuất bản của Tạp chí Xứ Thanh.
Lần khác, tôi ra thăm đất cảng Hải Phòng và lại được gặp những người “trai Sông Mã” sinh sống tại đây, trong đó tôi ấn tượng nhất là Anh hùng Lao động Vũ Hồng Út - Bến phó bến phà Ghép năm xưa, người nổi tiếng “trêu ngươi tử thần” khi lái ca nô rà phá thủy lôi trên sông Ghép. Trong thời kỳ leo thang đánh phá miền Bắc, đế quốc Mỹ dùng chiến thuật “Chiến tranh phong tỏa” vô cùng hiểm độc. Chúng thả thủy lôi và bom từ trường khắp các cửa biển, sông, lạch trên nhiều tỉnh, thành Miền Bắc với mục đích ngăn chặn chi viện vũ khí đạn dược cho chiến trường miền Nam bằng đường thủy, phá hoại các hoạt động giao lưu kinh tế của hậu phương lớn. Ông Vũ Hồng Út đã nhận nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm là dùng ca nô để rà phá thủy lôi trên sông Ghép. Đây là một cuộc đấu trí gay go với thần chết, nhưng ông đã tính toán đúng thời điểm tăng ga khi ca nô lướt qua kích nổ thủy lôi mà vẫn đảm bảo an toàn tính mạng. Trai Thanh Hóa là như vậy đó, cứ ung dung đối mặt với cái chết, gan góc đến độ thần chết cũng phải kiềng. Chiến công ấy đã góp phần tạo nên thắng lợi vẻ vang trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phong tỏa của quân dân ta, khiến cho “miếng hiểm” của Tổng thống Mỹ Ních - xơn bị vô hiệu hóa.
Anh hùng lao động Vũ Hồng Út sinh sống tại Hải Phòng, nhưng thỉnh thoảng vẫn về thăm quê hương. Tôi vẫn mong có một dịp cùng ông về lại bến phà Ghép, nơi ông đã “thách đấu” với thủy lôi Mỹ, để một lần nữa được nghe ông kể lại cái pha “chiến” với tử thần ấy, để quay những thước phim tài liệu trình chiếu cho nhân dân Thanh Hóa xem.
Trong chuyến đi với đoàn CCB Tàu không số vào thăm các di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển ở các tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Cà Mau, tôi đã được gặp rất nhiều người “Trai Sông Mã” với những câu chuyện đầy ấn tượng. Có mặt trong chuyến đi ấy, CCB Lê Duy Mai đã khiến tôi vô cùng xúc động khi nghe ông kể về trận đối đầu với địch tại Hòn Hèo tỉnh Khánh Hòa vào năm 1968. Khi tàu của ông vào bến Ninh Vân trả hàng, đã bị địch phát hiện bao vây. Ông cùng đồng đội chiến đấu quyết liệt và cho phá hủy tàu để bảo toàn bí mật. Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, 14 đồng chí hy sinh, con tàu sau khi đánh bộc phá thì một nửa chìm xuống nước, một nửa bay lên nằm lại trên vách núi. Ông Mai cùng 5 đồng chí khác lang thang trong rừng tới 13 ngày đêm, phải uống nước đọng từ hốc cây mục, ăn ốc sên để có cơ hội sống và trở về.
Cũng trong chuyến đi với các CCB Tàu Không Số, khi vào đến Gành Hào, một cửa sông tiếp giáo giữa Bạc Liêu và Cà Mau, tôi lại được nghe CCB Vũ Trung Tính kể về chuyến đi có một không hai của ông: Lần đầu tiên tàu không số vào đất liền giữa ban ngày, chỉ cách đồn địch khoảng 1km, mà vẫn giao hàng và thoát ra an toàn, ghi một chiến công hiển hách cho đoàn tàu không số.
Hiện nay hai CCB Lê Duy Mai và Vũ Trung Tính đều sinh sống tại quê nhà Tĩnh Gia. Mỗi khi có dịp tôi lại ghé qua nhà các bác để trò chuyện và được biết thêm nhiều câu chuyện chiến đấu thú vị. Ký ức thời đạn bom mà các bác từng trải qua cũng chính là những trang sử hào hùng của quê hương, đất nước.
Chuyến đi gần đây nhất, tôi cùng đoàn CCB hải quân Thanh Hóa vào Phú Quốc di dời hài cốt liệt sỹ Thanh Hóa về quê hương. Trên đường đi, khi qua thành phố biển Nha Trang tôi lại được tiếp xúc với một người “Trai Sông Mã” khác, đó là CCB Nguyễn Văn Dân, một trong những cán bộ hải quân từng tham gia trận hải chiến Trường Sa năm 1988. Trên đường về, chúng tôi được lãnh đạo Lữ đoàn 101 Hải quân đóng tại Cam Ranh đưa đi thăm tượng đài liệt sỹ Gạc Ma. Nhờ đó, chúng tôi được biết thêm những câu chuyện cảm động về khí phách của những người trai Thanh Hóa trong cuộc chiến giữ biển đảo quê hương.
Ngày 14/3/1988, Hải quân Nhân dân Việt Nam đưa lực lượng ra bảo vệ và xây công trình trên các đảo chìm Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin. Phía Trung Quốc đã cho quân đổ bộ ngăn chặn, nổ súng để giật cờ Việt Nam trên bãi đá Gạc Ma, sau đó lại dùng pháo trên chiến hạm bắn vào tàu vận tải Hải quân Việt Nam, khi ấy tàu Việt Nam không trang bị pháo mà chỉ trang bị súng bộ binh và chở vật liệu xây dựng. Trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988, 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã hy sinh ở khu vực đá Gạc Ma. Năm người con của quê hương Thanh Hóa đã hy sinh trong trận chiến đấu ấy, trong đó có Anh hùng Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ quê ở huyện miền biển Quảng Xương.
Trong thời điểm Trung Quốc tấn công Gạc Ma, có một người trai Thanh Hóa khác là đại úy Lê Lệnh Sơn, quê huyện Đông Sơn, thuyền trưởng tàu HQ 605 cũng đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên đảo Len Đao. Khi cắm xong cờ chủ quyền trên đảo Len Đao thì các tàu chiến Trung Quốc tấn công dữ dội, thuyền trưởng Sơn đã bình tĩnh chỉ huy anh em quyết tâm trụ lại chiến đấu đến cùng, sẵn sàng hy sinh cả tàu và người ngay trên đảo để làm chứng cứ chủ quyền bằng sắt thép và xương máu. Nhờ đó, anh em đã giữ được đảo Len Đao. Trong khi tàu 605 bị tấn công thì tàu 505 ở đảo Cô Lin đã ủi lên bãi, cắm được 2 lá cờ để khẳng định chủ quyền, giữ được đảo Cô Lin.
Trong trận chiến đấu ấy, thuyền trưởng Sơn bị thương nặng, phải vào bờ điều trị hai năm, sau đó chuyển ngành, trở về quê hương Đông Sơn, Thanh Hóa.
Sau trận hải chiến ngày 14/3, Việt Nam lên kế hoạch quyết giữ bằng được các đảo với tên gọi chiến dịch là CQ-88 (Chủ quyền-88). Đại tá Nguyễn Văn Dân - Nguyên Phó Tham mưu trưởng vùng 4 Hải quân - lúc đó là Chỉ huy trưởng Cụm 2 Sinh Tồn (bao gồm các đảo Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, Đá Lớn, Huy Gơ…) đã trực tiếp tham gia chiến dịch này.
Sáng 22/4/1988, Quốc kỳ Việt Nam trên đảo Len Đao bị sóng đánh trôi. Mặc dù ở phía Gạc Ma vẫn còn đó xác hai con tàu HQ 604- 605 của Hải quân Việt Nam chìm dưới biển sâu, và có 2 tàu Trung Quốc liên tục canh chừng, tàu HQ 614 vẫn quyết tâm cắm bằng được cờ Tổ quốc tại đảo Len Đao. Buổi sáng, chính trị viên tàu HQ 614 và tổ công tác lên cắm lại nhưng bị tàu Trung Quốc ngăn chặn. Chiều cùng ngày, trung tá Dân tiếp tục dẫn tổ công tác mang cờ lên đảo, để lại lệnh chiến đấu cho chỉ huy tàu: “Nếu Trung Quốc tấn công, cho Tàu HQ 614 lao lên ủi bãi, giữ Len Đao”. Ông Dân đã cắm thành công lá cờ đỏ sao vàng trên đá Len Đao, khẳng định chủ quyền Việt Nam trong thời khắc cực kỳ gian nguy. Anh em tổ công tác đã kịp thời chụp được khoảng khắc cắm cờ ấy. Sau đó, ông Dân cũng là người hiến kế cho Bộ Tư lệnh Hải quân đưa tàu há mồm nhỏ, trên có sẵn nhà cao chân và các phương tiện lắp ghép, buổi tối tập kết tại đảo chờ thủy triều lên cao nhất thì lập tức đổ bộ triển khai làm nhà luôn, khiến tàu Trung Quốc ở ngay đó cũng không kịp phản ứng. Tháng 11/1988, việc xây nhà trên đảo Len Đao được thực hiện thành công, sáng kiến này cũng được áp dụng để xây dựng trên đảo Cô Lin. Tổng cộng trong chiến dịch CQ-88 Việt Nam đóng giữ thêm 11 đảo chìm, bắt đầu đóng giữ, bảo vệ khu vực DK1 ở thềm lục địa phía Nam.
Khí phách, hào sảng, dường như đó là nét chung toát lên từ tâm hồn những người “Trai Sông Mã” mà tôi gặp trên những chặng đường đã qua. Trước kẻ thù họ không hề run sợ mà luôn sẵn sàng đối mặt. Đối với họ, cái chết nhẹ tựa lông hồng, bất cứ khi nào họ cũng sẵn sàng hy sinh vì độc lập chủ quyền của Tổ quốc. Họ là những nhân vật trong các tác phẩm báo chí, truyền hình mà tôi đã thực hiện. Hơn thế, họ là những huyền thoại bằng xương bằng thịt, khiến tôi luôn khao khát tiếp tục những chuyến đi để tìm gặp thêm nhiều người “Trai Sông Mã”, và nguyện là người thư ký trung thực, ghi chép những câu chuyện cuộc đời đẹp như cổ tích ấy, để họ trở nên bất hủ trong lòng nhân dân.
Mai Hương