Hình ảnh minh họa, từ internet
Bàn mãi nhưng không đi đến quyết định, dường như nhiều phụ huynh đang đặt mình vào tư thế của người “đẽo cày giữa đường”.
Cách đây khoảng 15 năm ngành luật là ước mơ của nhiều học sinh, ngành ngân hàng gần như là lựa chọn số 1 trong khối kinh tế. Cuộc chạy đua vào các nhóm ngành này rất khốc liệt và chỉ có sự may mắn mới gọi tên ai đó khi mà học sinh nào cũng giỏi cả. Thế nhưng thử hỏi sau khi ra trường những cô cậu sinh viên ấy thế nào khi xu hướng việc làm có sự thay đổi một cách chóng mặt, cơ hội việc làm thấp, thu nhập thiếu ổn định. Một cuộc “đào thoát” khỏi các nhóm ngành này ngay lập tức cũng diễn ra với mức độ chóng mặt.
Bây giờ thì nhiều học sinh lại chuyển mạnh vào đăng ký các nhóm ngành công nghệ vì tin cuộc sống phát triển thì công nghệ càng phải được tạo ra để đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Về lý thuyết là thế, nhưng ai dám chắc chắn rằng đó đã là logic. Có thể nó cũng giống như nhiều người từng đặt niềm tin vào cánh cổng trường luật hay ngân hàng như trước đây vậy.
Mấy năm nay rất nhiều học sinh tài năng đã phải vất vả chen chúc cạnh tranh để vào các nhóm ngành công nghệ. Bên cạnh đó nhiều học sinh học lực khá và trung bình cũng đăng ký thử vận may, từ đó tạo nên những cơn sốt ảo, gây ra một tâm lý lo lắng.
Điều đó phần nào đồng nghĩa với việc nhiều học sinh năng lực thấp sẽ rơi vào các nhóm ngành sư phạm, kinh tế, kỹ thuật… Những ngành học cũng rất cần học sinh tài năng để đào tạo ra những kỹ sư, chuyên gia có trình độ cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước.
Liệu có bất công với những ngành học này không khi không có nhiều học sinh trả lời sẽ không chọn ngành sư phạm, mỏ, xây dựng, giao thông hay thương mại ngay từ đầu. Nó chỉ được điền tên ở nguyện vọng cuối, như giải pháp tình thế.
Đất nước phát triển luôn cần hài hòa giữa các ngành công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, dịch vụ và xã hội. Quan trọng là chúng ta nhập cuộc như thế nào mà thôi.
Ngành nào cũng cần người giỏi và đều có cơ hội phát triển. Tại sao cứ phải chen chân vào ngành hot với sự chặt chội mà không có đam mê, thực lực?
Những cái đầu non nớt, thiếu trải nghiệm của học sinh lớp 12 chưa thể cho phép các em đưa ra một quyết định đúng đắn. Quyết định của con cần sự định hướng của cha, nhưng rất nhiều phụ huynh lúc này thì lại đang bị chi phối bởi xu hướng đám đông.
Có nhất thiết phải chen chân vào nơi chặt chội như thế để tìm vận may không? Một thầy giáo đã viết rằng: “Khi chọn trường đại học đừng để những giấc mơ cha đè nát cuộc đời con”.
Ngay lúc này đây, khi các em bắt đầu làm hồ sơ tuyển sinh, phụ huynh cần có sự tham gia trách nhiệm nhất.
Trách nhiệm ở đây không có nghĩa là bằng mọi giá thôi thúc con mình đăng ký vào các nhóm nghành hot như số đông đang làm để mong ra trường có thu nhập cao. Làm điều đó chẳng khác nào việc chúng ta đang cố sức bện ra chiếc thừng đủ to để mong dắt được con trâu từ chuồng nhà hàng xóm về chuồng nhà mình. Một ý chí vượt quá khả năng, trước sau gì con trâu cũng sẽ trở lại chiếc chuồng mà ngay từ ban đầu người ta đã dành cho nó.
Thi cử là chuyện của đời người, thí sinh sẽ có bệ phóng tốt sau khi đạt được nguyện vọng. Những thí sinh đặt kỳ vọng lớn nếu không trúng tuyển thường bị ảnh hưởng tâm lý. Đây là điều từng xảy ra ở nhiều kỳ thi trước đây, mỗi phụ huynh và học sinh hãy nhận diện đầy đủ để có sự tính toán thật sự phù hợp, xa rời tâm lý đám đông, để không đi vào vết xe đổ sau mỗi kỳ tuyển sinh.
An Nhiên