Làm báo là để giúp người, giúp đời! (09/01/2023-8:31)
Nhà báo Chu Quốc Hùng - Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Lâm Đồng chia sẻ rằng, nếu được lựa chọn lại một lần nữa anh vẫn sẽ theo nghiệp báo, đơn giản vì nghề này có thể giúp được nhiều người, góp phần xây dựng xã hội tiên tiến hơn, văn minh hơn.
Nhà báo Chu Quốc Hùng tác nghiệp.
Trải qua hơn 20 năm làm công tác thường trú, với nhiều loạt bài điều tra chất lượng thu hút được sự quan tâm lớn từ các cấp lãnh đạo và công chúng, nhà báo Chu Quốc Hùng - Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Lâm Đồng chia sẻ rằng, nếu được lựa chọn lại một lần nữa anh vẫn sẽ theo nghiệp báo, đơn giản vì nghề này có thể giúp được nhiều người, góp phần xây dựng xã hội tiên tiến hơn, văn minh hơn.
Những ngày tháng thường trú đầu tiên: Viết và khóc
Nhà báo Chu Quốc Hùng bắt đầu đi thường trú vào năm 2001. Năm 2004, anh được điều lên thường trú tại tỉnh Lai Châu ngay ngày đầu tiên tỉnh này mới thành lập.
Anh kể, trung tâm tỉnh lỵ chỉ là một thị trấn, thiếu thốn bộn bề. Ngày đó phương tiện tác nghiệp của anh chỉ là một chiếc điện thoại Nokia 6600 và một máy ảnh chụp phim. Không đồng nghiệp, không văn phòng, không máy tính, không kết nối mạng, không gia đình bên cạnh… viết tin xong đọc qua điện thoại về để Tổng xã ghi lại. Khi ấy, Chu Quốc Hùng chụp được tấm ảnh nào, phải mang ra tiệm rửa, scan lại rồi đem tiếp ra bưu điện gửi về.
“4 tháng liền tôi đi ở nhờ nhà người quen hay bạ đâu ngủ đó. Đến bữa thì giả vờ tạt qua mấy sở, ngành hỏi thông tin, thật ra là vào ăn chực bếp ăn tập thể của họ. Chứ cả tỉnh lỵ chỉ có 1 quán phở, 2 cái quán cơm thì có chỗ mà ngồi đâu. Ngày đầu tiên tỉnh cho mượn gian phòng cũ làm phòng làm việc, rồi Tổng xã gửi lên cho một cái laptop, tôi ngồi bệt trong căn phòng trống trơn đó, kê laptop trên đùi gõ bài mà nước mắt chảy tràn xuống không gõ nổi chữ nào nữa. Sau khi có văn phòng thì dần dần xin Tổng xã cho mua các trang thiết bị, sau một năm thì bước đầu đâu cũng vào đó”, nhà báo Chu Quốc Hùng nhớ lại.
Đến nay, nhà báo Chu Quốc Hùng đã được phân công thường trú qua 4 tỉnh là Lai Châu cũ, Lai Châu mới, Điện Biên và giờ là Lâm Đồng. Mỗi tỉnh đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Hồi còn thường trú tại các tỉnh Tây Bắc, việc đi lại rất khó khăn, nguy hiểm rình rập trong mỗi chuyến đi cơ sở. Nhiều lần anh bị ngã xuống vực, bị lạc phải ngủ đêm trong rừng hay bị lũ cuốn khi bơi qua sông. Ở những nơi anh làm thường trú, tuy thiếu thốn về vật chất nhưng quan hệ giữa lãnh đạo tỉnh với phóng viên thường trú rất thân thiện - đó là một trong những nguồn động lực để anh tiếp tục cống hiến cho nghề báo.
Mỗi khi Chu Quốc Hùng được phân công thường trú ở đâu, chỉ trong vòng 1 năm là anh đưa gia đình đến chỗ đó. Vợ anh cũng đổi qua mấy cơ quan đơn vị, nhà thì cũng đã làm tới 3 cái rồi lần lượt bán để đi tỉnh khác, các con của anh cũng phải đổi trường học nhiều lần.
“Hồi thường trú ở Lai Châu, tôi chạy con xe máy Win100 chạy hơn 200km về Điện Biên thăm nhà, thằng lớn chưa đến 2 tuổi. Hôm quay lại đơn vị, rời khỏi nhà mình nhìn qua gương, thấy con chạy chân đất trên đường đuổi theo. Nó ngã sấp mặt xuống đường, chảy cả máu miệng ra mà vẫn lồm cồm bò dậy gào lên: “Bố ơi, cho con đi với”. Tôi đã phải dừng lại, ở chơi với con thêm một ngày nữa, chờ khi con ngủ mới lén rời đi”, anh Hùng tâm sự.
Công việc thường xuyên phải đi cơ sở, không có thời gian dành cho gia đình, nuôi dạy con cái; di chuyển nhiều, gia đình cũng vất vả, nhất là việc học của các con, với Chu Quốc Hùng gia đình là điều vô cùng thiêng liêng, là chỗ dựa vững chắc để anh thoả mãn niềm đam mê với nghề.
Làm báo xuất phát từ cái tâm
Nhà báo Chu Quốc Hùng đã đạt được rất nhiều giải thưởng của TTXVN với đủ các thể loại, nhưng chủ yếu là về điều tra. Khi còn phụ trách Cơ quan thường trú Điện Biên trong 5 năm liền, anh dẫn dắt đơn vị giành được 3 Cờ thi đua của ngành. Ngoài ra, anh cũng đạt nhiều Giải thưởng Báo chí Quốc gia và của các Bộ, ngành.
Loạt bài điều tra về vụ việc một doanh nghiệp có sự chống lưng của chính quyền địa phương lấn chiếm, xâm hại hồ thủy lợi Próh ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) của nhà báo Chu Quốc Hùng đã gây được tiếng vang lớn.
Próh là 1 trong 5 hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh, cấp nước tưới cho hàng ngàn hộ dân sản xuất nông nghiệp, nhưng đang bị xâm hại, hư hỏng rất nghiêm trọng. Cơ quan quản lý nhà nước bất lực, không thể làm gì nên đã nhờ đến Cơ quan thường trú TTXVN tại Lâm Đồng.
Khi anh Chu Quốc Hùng ra số báo, phóng sự truyền hình đầu tiên, phía bên kia bắt đầu phản pháo. Họ thuê một Công ty Luật ở TP. Hồ Chí Minh khiếu nại, sau đó tố cáo nhóm phóng viên trong suốt một năm. Đơn tố cáo liên tục gửi tới những cơ quan cao nhất ở Trung ương như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam…
Anh Hùng chia sẻ, đơn từ của họ gửi liên tục khiến cho lãnh đạo TTXVN rất sốt ruột, lần nào có đơn lại yêu cầu tôi giải trình lần đó. Tuy nhiên, tôi kiên trì bảo vệ quan điểm rằng đây là tài sản chung của Nhà nước, không ai có thể xâm phạm, nên tôi đã cùng một phóng viên trong Cơ quan thường trú tiếp tục thực hiện loạt bài điều tra sau đó.
Sau khi loạt bài được thực hiện xong, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những văn bản chỉ đạo quyết liệt, địa phương không thể bao che được nữa. Những công trình xâm hại hồ thủy lợi này đang được tiếp tục dỡ bỏ.
Nhìn lại các bài điều tra của mình, nhà báo Chu Quốc Hùng thấy nó thực sự có ích, vì nó giúp đỡ cho được khá nhiều người và bảo vệ được nhiều tài sản của Nhà nước. Anh tâm niệm, trong viết điều tra, cái chính là người viết phải thực sự có tâm để làm việc đó, phải biết đau cùng nỗi đau của những người yếu thế, phải biết xót khi tài sản Nhà nước bị xâm hại, thất thoát. Để làm được việc đó, người phóng viên phải am hiểu pháp luật, cái gì không biết thì tham vấn những người am hiểu.
“Tôi có lợi thế là đã học qua lớp Luật kinh tế, nên cũng bổ trợ cho công việc khá nhiều. Kinh nghiệm của mình là không nghe thông tin 1 chiều mà phải nghe ít nhất từ 4 chiều: từ 2 phía đối lập, từ những người, những đơn vị bên cạnh hoặc có liên quan và từ dư luận xã hội. Tuyệt đối không bao giờ được áp đặt ý chí chủ quan của mình vào các bài điều tra”, anh Hùng nói.
Trải qua hơn 20 năm làm báo, nhà báo Chu Quốc Hùng chiêm nghiệm rằng nguy hiểm lớn nhất của người làm báo là không vượt qua cám dỗ của đồng tiền. Nhiều người chê anh là không “thức thời”, không biết làm kinh tế. Khi đó anh chỉ cười vì họ không hiểu là không phải anh không biết làm mà là không dám làm. Để vượt qua cám dỗ, nguy hiểm, phải biết kiềm chế lòng tham của mình lại. Anh ví nghề làm báo như diễn viên xiếc đi trên dây, ngả về bên nào nhiều quá cũng rơi xuống đất, nên không ai dám nói trước điều gì.
Đời làm báo, nhà báo Chu Quốc Hùng đã nhiều lần phải khóc thầm một mình. Thành công cũng khóc vì cái giá phải trả lớn quá. Thất bại thì anh không khóc nổi, nhưng buồn nhất với anh là khi dấn thân vào một cuộc đấu tranh nào đó mà không có đồng đội bên cạnh. Ví như vụ hồ Próh đó, chỉ anh và một đồng nghiệp trong cơ quan thường trú đơn thương độc mã đấu tranh, không hề có ai đứng bên cạnh hay đứng sau lưng. Rất may mắn là câu chuyện đã được kết thúc có hậu.
“Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn nghề làm báo vinh quang này. Đơn giản vì nó có thể giúp được nhiều người, giúp đời thêm tươi đẹp...”, nhà báo Chu Quốc Hùng thổ lộ.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com