Thứ sáu, ngày 03/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Một số nguyên tắc khi tiếp xúc với các nhà báo (16/02/2017-8:55)
    Nhà triết học Vôn Te khẳng định: “Đừng đánh giá con người qua câu trả lời, hãy đánh giá con người qua câu hỏi của anh ta”.

Phỏng vấn là một thể loại báo chí, một thể loại đặc biệt mà việc nắm vững kỹ thuật và nghệ thuật phỏng vấn là một đòi hỏi cấp thiết của mỗi nhà báo. Có cả tá khái niệm về phỏng vấn, tuy nhiên khái niệm sau đây là một khái niệm đáng lưu tâm: “ Phỏng vấn là cuộc trò chuyện giữa một người biết (nhân vật, khách mời) và một người muốn biết (Nhà báo, MC) được diễn ra một cách tự nhiên, sinh động vì mục đích báo chí và truyền thông.”

Phỏng vấn là để cung cấp một giải thích, một nhân chứng, một ý kiến mang đậm bản sắc của người được phỏng vấn.

Phỏng vấn phải đem lại cho khán giả những thông tin mà chỉ có người được hỏi mới mới có thể nói được. Nếu nhân vật trả lời quá chung chung thì cần đặt những câu hỏi cụ thể và ngược lại.

Trong phỏng vấn truyền hình cần chú ý hình ảnh sau lưng nhân vật không lấn át anh ta. Cần khai thác tối đa âm thanh nền

Phỏng vấn khác với một cuộc trò chuyện thông thường là yếu tố thời gian. Thông thường một cuộc phỏng vấn truyền hình có thời lượng từ ba đến hai mươi phút.

Phỏng vấn của nhà báo luôn hướng đến việc lấy thông tin dễ hiểu và rõ ràng từ đối tác trong thời gian ngắn nhất. Nguyên tắc chung trong phỏng vấn là đối tác phỏng vấn luôn là người quan trọng nhất; Bạn nên biết câu hỏi của nhà báo là điều quan trọng nhất trong phỏng vấn. Câu hỏi của nhà báo luôn ngắn gọn, chính xác và đúng trọng điểm để đạt dược mục tiêu thông tin. Và bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu những nguyên tắc trong giao tiếp và giao tiếp đặc biệt với giới báo chí nói chung và truyền hình nói riêng.

Nguyên tắc đầu tiên khi tiếp xúc với báo chí: Chính danh:

Trước khi tiến hành phỏng vấn, bạn thường được cung cấp những thông tin cơ bản như sau: Chủ đề và tâm điểm của cuộc phỏng vấn về nội dung gì? Cuộc phỏng vấn sẽ diễn ra trong bao lâu? Cuộc phỏng vấn được ghi lại hay phát sóng trực tiếp? Cuộc phỏng vấn sẽ được phát sóng khi nào? Phỏng vấn sẽ được phát sóng toàn bộ hay chỉ để khai thác thông tin, lấy phát ngôn? Địa điểm và thời gian diễn ra phỏng vấn? Đây là cuộc phỏng vấn “một đối một” hay sẽ có thêm những đối tác phỏng vấn khác ?

Tuy nhiên, nhà báo sẽ không đưa ra những câu hỏi cụ thể, chi tiết cho bạn trước cuộc phỏng vấn. Kể cả khi bạn là một nhân vật rất có uy tín được cung cấp những câu hỏi cụ thể thì nhà báo vẫn thường có câu hỏi thêm, câu hỏi phụ trong quá trình phỏng vấn. Bạn hãy chủ động  đón nhận những câu hỏi hóc búa của nhà báo nhé.

Theo nguyên tắc xã giao thông thường, nhà báo cần xưng danh khi tiếp xúc với bạn. Bạn đừng ngại ngần đặt những câu hỏi tế nhị cho nhà báo để nắm chắc thông tin về tờ báo, kênh truyền hình, đài phát thanh, hãng truyền hình, tạp chí…của quốc gia nào mà anh ta là một thành viên.

 Bạn hãy lịch sự và tế nhị “kiểm tra” thẻ nhà báo hoặc chứng chỉ hành nghề cùng danh thiếp của họ. Khi đã nắm rõ thông tin về nhà báo và cơ quan báo chí của anh ta, bạn sẽ tự tin giao tiếp với họ. Nguyên tắc chính danh ở đây là chủ và khách đều phải biết rõ những thông tin cơ bản về nhau. Bạn thích đóng vai chủ hay khách? Lời khuyên của tôi là bạn hãy là một người chủ đích thực của buổi gặp gỡ.  Đừng bao giờ đánh mất vị trí của mình.

Nguyên tắc thứ hai: Chân thành và cởi mở.

Thật sai lầm coi báo chí và giới truyền thông là những kẻ luôn moi móc, tìm kiếm những khiếm khuyết của chúng ta. Hãy vượt qua nỗi ám ảnh, bạn sẽ chinh phục được họ - những người luôn tìm kiếm “những cái bất thường trong cái bình thường”. Xin được nói thêm, những nhà báo luôn rất giỏi quan sát, đôi khi họ còn có phẩm chất của một thám tử, một điều tra viên, một thẩm phán…Hãy ban phát cho họ một nụ cười, một cái bắt tay chân thành khi gặp mặt và lúc chia tay.

Ai đó đã nói rất chính xác rằng: Người thành đạt là người “cho” đi nhiều nhất và theo định luật bảo toàn năng lượng bạn sẽ “nhận” lại được một sự trả lại tương đương.

Nguyên tắc thứ ba: Tự chủ trong giao tiếp.

Khi báo chí gặp bạn, tức là bạn là nhân vật cần thiết và quan trọng đối với họ. Những thông tin và cảm xúc của bạn là “nguồn nguyên liệu quý giá” cho tác phẩm của họ. Bạn là ông chủ, là bà chủ độc quyền cung cấp thông tin và cảm xúc trong cuộc trao đổi, phỏng vấn. Vậy tại sao bạn phải lo lắng khi tiếp xúc với báo chí ? Bạn muốn cho họ bao nhiêu phút, bao nhiêu thông tin, cảm xúc là quyền của chính bạn.

Tuy nhiên các nhà báo là những kẻ rất “tham lam”, họ cần thông tin của bạn không chỉ phục vụ một mẩu tin, một bài báo, một phóng sự phát thanh, báo mạng hay truyền hình mà còn để làm “tư liệu riêng tư” cho nhiều tác phẩm và sở thích khác. Vì thế bạn hãy tự định đoạt thời gian bạn cho phép họ được trò chuyện với bạn. Các khung giờ theo thông lệ quốc tế là 15 phút, 30 phút, 45 phút, 1 giờ.

Tuy nhiên lời khuyên của tôi dành cho bạn là bạn hãy tế nhị và khéo léo giấu đi vị trí là người chủ của cuộc trao đổi. Nếu lộ ra vị trí bạn sẽ phiền toái đấy. Tôi không dọa bạn đâu!

Sự thành bại của cuộc phỏng vấn chủ yếu dựa vào việc chọn đối tượng. Nếu bạn được chọn thì bạn là người đáp ứng được những yêu cầu về chuyên môn, khả năng diễn đạt thẳng thắn, dễ hiểu và vị trí, uy tín của bạn liên quan đến chủ đề cuộc phỏng vấn. Nhà báo sẽ rất lo lắng bạn có thu xếp được thời gian cho cuộc phỏng vấn và có sẵn lòng nói chuyện để phát sóng hay không? Nhà báo sẽ kín đáo kiểm tra khả năng của bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, có thích hợp với cuộc phỏng vấn không. Nếu phỏng vấn qua điện thoại, bạn hết sức cẩn trọng khi trả lời, đặc biệt chú ý sức truyền cảm qua giọng nói. Đừng bao giờ sử dụng giọng nói vô cảm.

Địa điểm phỏng vấn là một yếu tố vô cùng quan trọng, nhưng bạn đừng quá lo ngại. Tôi sẽ cho bạn một nguyên tắc về chọn địa điểm trong phỏng vấn của giới báo chí. Đó là địa điểm phỏng vấn lý tưởng nhất là vị trí, môi trường làm việc của nhân vật.

Nếu bạn là thí sinh cuộc thi hoa hậu, bạn sẽ bị những đạo diễn truyền hình đưa đến những địa điểm độc đáo như bãi biển, bể bơi, phòng nghỉ, phòng thay đồ, trang điểm…

Lời khuyên của tôi cho bạn là hãy đi lại, nói chuyện tự nhiên với mọi người như những thời điểm bạn trò chuyện với bạn bè, người thân yêu của mình. Hãy thả lỏng cơ thể, hãy nhớ về một kỷ niệm tươi đẹp nhất trong cuộc sống bạn đã trải qua. Làm như vậy bạn sẽ là một thiên thần trong mắt mọi người.

 Nguyên tắc thứ tư: Biết dừng đúng thời điểm

Đừng bao giờ bạn cho nhà báo quá nhiều thời gian tiếp xúc với mình, đây là cách bạn gây áp lực và thể hiện bạn là người quan trọng, bận rộn và có quá nhiều điều cần quan tâm khác. Dừng ở thời điểm nào là do bạn, nhưng lời khuyên của tôi với bạn là không dưới 15 phút nhưng không dài quá 1 giờ. Hãy biết dừng khi câu chuyện bắt đầu có biểu hiện nhàm chán. Hãy cho nhà báo “đói thông tin một chút”, bạn sẽ trở nên quan trọng và hãy tin tôi, họ sẽ còn kiếm tìm bạn.

Một chú ý nữa của chúng tôi dành cho các bạn, khi cuộc phỏng vấn có nhiều người  tham gia bạn đừng bao giờ theo tâm lý đám đông trả lời khuôn mẫu, cứng nhắc giống như mọi người.  Hãy có ít nhất một sự khác biệt như mở đầu ấn tượng bằng một câu nói đặc biệt hoặc một ý tưởng mới mẻ.

Bí quyết để thành công trong trả lời phỏng vấn là bạn phải biết rõ thông tin cảm xúc của bạn là dành cho công chúng chứ không phải cho nhà báo.

Bạn luôn luôn phải suy nghĩ và chuẩn bị sự trả lời có yếu tố mới, lạ. Còn ngược lại bạn chẳng thuyết phục được ai. Nếu gặp những người không “xứng tầm” bạn có thể từ chối tiếp xúc hoặc kết thúc nhanh câu chuyện. Bạn hãy chú ý trang phục, phong cách, đặc biệt là cách đặt vấn đề, những câu hỏi của nhà báo.

 Theo Vũ Quang - VTV


 

Các tin khác:
  • Nhà báo Hồng Vinh: Một trong những người xung kích đổi mới báo Đảng (14/02/2017-10:27)
  • Nội dung câu view trên báo chí sẽ không còn đất sống? (11/02/2017-11:41)
  • Chất văn trên trang báo ngày xuân (11/02/2017-10:18)
  • Xuân mới nhiều ước vọng… (11/02/2017-10:13)
  • Để nghề báo thêm vinh quang và cao quý (18/01/2017-8:31)
  • Báo chí đang nhìn lại mình và tìm hướng đi mới (18/01/2017-7:50)
  • Cái gì bền vững sẽ là bền vững… (03/01/2017-6:37)
  • Sinh động, sát thực tế đời sống (31/12/2016-8:54)
  • “Dăm hôm lại đau tim một lần…” (23/12/2016-9:50)
  • Phải viết làm sao để chạm tới trái tim độc giả?! (17/12/2016-7:46)