Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Bị hành hung vì không đeo logo của báo? (01/02/2018-7:58)
    Nhóm phóng viên (PV) Báo Long An, Đài phát thanh và Truyền hình Long An đang tác nghiệp ngoài khu vực gần Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đóng trên địa bàn xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An thì bị nhóm người xông vào hành hung.
Một đối tượng hành hung phóng viên bị công an triệu tập lấy lời khai. Ảnh: PV

Sau thời gian điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Thạnh Hóa ra thông báo và cho rằng, phóng viên đi tác nghiệp không đeo logo của báo, đài... là không bảo đảm yếu tố thi hành công vụ.

Bị hành hung khi tác nghiệp gần nhà máy gây ô nhiễm

Khoảng 8 giờ, ngày 27/9/2017, 3 phóng viên (PV) Nguyễn Thị Mận (Báo Long An), Cao Thị Kim Ngân và Phạm Đức Cảnh (Đài Phát thanh và Truyền hình Long An) đến tìm hiểu, ghi nhận ý kiến bức xúc của người dân về việc nhà máy này xả trực tiếp nước rỉ từ rác ra kênh 3, ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, gây ô nhiễm môi trường.

Trong lúc nhóm PV đang ghi nhận thực tế tại kênh 3 (nằm ngoài khu vực nhà máy), có một nhóm người đến hăm dọa và ngăn cản không cho quay phim. Sau đó, 2 đối tượng xông vào quật ngã và đè PV quay phim Phạm Đức Cảnh xuống đất. 2 đối tượng tiếp tục dùng tay, chân đấm, đá liên tiếp vào mặt và người PV Cảnh. Các đối tượng này còn giật máy quay phim trên tay PV Cảnh và lấy thẻ nhớ. Đồng thời, 4 đối tượng liên tục dùng lời lẽ hăm dọa 2 PV nữ.

Ngay trong chiều ngày 27/9/2017, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Long An, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Long An - Phạm Văn Dũng ký công văn báo cáo UBND tỉnh về vụ việc nhóm phóng viên đi tác nghiệp theo chỉ đạo của cơ quan (có lệnh điều xe) bị đe dọa, hành hung và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc.

Sau vụ hành hung, PV Cảnh bị xây xát, chấn thương phần mềm ở mặt và tay. Riêng máy quay phim của PV sử dụng bị đứt dây đeo, rớt xuống đất. Ngay sau đó, nhóm PV đến UBND xã Tân Đông trình báo sự việc. Trên đường ra UBND xã, một đối tượng còn bám theo xe phóng viên cầm gạch hăm dọa.

Vụ việc này sau đó được Công an huyện Thạnh Hóa tiếp nhận thông tin điều tra. Ngay sáng hôm đó, công an cũng triệu tập một số đối tượng liên quan đến vụ việc để lấy lời khai.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An - Nguyễn Tân Thuấn thông tin, nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đi vào hoạt động từ 2012 đến nay, tuy nhiên nhiều năm là điểm nóng gây ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, sở thường xuyên cử cán bộ đến giám sát, kiểm tra việc vận hành, xử lý rác tại nhà máy.

Tác nghiệp phải đeo logo báo, đài?

Gần 40 ngày sau vụ việc nhóm phóng viên bị hành hung, ngày 14/11/2017, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An có thông báo số 256 về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố.

Thông báo cho biết, cơ quan điều tra xác định được những đối tượng trực tiếp hành hungnhóm phóng viên Báo, Đài Long An là Đỗ Văn Tiến (SN 1985), quê ở xã Châu Pha, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (công nhân của một đơn vị đang thi công hàng rào Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa) và Phạm Văn Dũng (SN 1956), thường trú tại xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An (người làm thuê cho Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa, không có hợp đồng lao động). Tiến cũng chính là người lấy thẻ nhớ máy quay phim từ PV. Hai người này có mặt và hành hung phóng viên sau khi nhận được cuộc gọi điện thoại của Nguyễn Văn Minh (SN 1994), thường trú xã Châu Pha, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (công nhân của một đơn vị đang thi công hàng rào Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa) báo có nhóm người đến quay phim ngoài hàng rào nhà máy.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạnh Hóa cho biết “không khởi tố vụ án hình sự với lý do hành vi không cấu thành tội phạm”. Trong thông báo này không đề cập vấn đề xử lý những đối tượng này? Một vấn đề mà dư luận đề nghị làm rõ, vì sao nhóm người này đang làm việc trong khu vực Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa lại hành hung, đe dọa, cản trở phóng viên tác nghiệp, có ai khác chỉ đạo hay không cũng không thấy đề cập.

Những thắc mắc này không được trả lời nhưng cơ quan điều tra lại chỉ ra nhiều yếu tố rất lạ lùng để khẳng định, các PV không bảo đảm yếu tố “đang thi hành công vụ”. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện nêu lý do: Các PV Phạm Đức Cảnh, Cao Thị Kim Ngân chưa có thẻ nhà báo, đi tác nghiệp không có kế hoạch cụ thể bằng văn bản,... Các phóng viên khi tiếp xúc với người làm việc tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa lại không giới thiệu làphóng viên Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An. Cơ quan Cảnh sát điều tra còn cho rằng, khi tác nghiệp, các phóng viên này mặc trang phục không có logo của Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An.

Bức xúc và không đồng tình với thông báo này, nhất là với những lý do không bảo đảm yếu tố thi hành công vụ mà Cơ quan điều tra thông báo, ngày 6/12/2017, nhóm PV có đơn khiếu nại gửi Cơ quan điều tra và cũng đề nghị Hội Nhà báo tỉnh Long An sớm có ý kiến về văn bản của cơ quan điều tra nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhà báo, phóng viên tác nghiệp theo quy định của Luật Báo chí năm 2016.


PV Báo Long An bị đánh đang trình bày vụ việc tại cơ quan chức năng

Đề nghị xem xét, làm rõ vụ việc

Chiều ngày 7/12/2017, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Long An Phạm Văn Dũng ký công văn gửi UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Công an huyện Thạnh Hóa đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm vụ hành hung 3 phóng viên Báo, Đài Long An vào sáng ngày 27/9/2017. Đồng thời, không đồng tình với thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạnh Hóa.

Công văn cũng nêu rõ, việc cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Thạnh Hóa cho rằng, 3 phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp mặc trang phục không đeo logo báo, đài là không bảo đảm yếu tố “đang thi hành công vụ” là bất hợp lý, không đúng với quy định của pháp luật. Khi tác nghiệp ở huyện Thạnh Hóa, 3 phóng viên, nhà báo trên được sự phân công của lãnh đạo Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thực hiện đề tài theo định hướng của cơ quan, đơn vị (Cơ quan điều tra lại cho rằng phóng viên đi không có kế hoạch cụ thể bằng văn bản).

Đài còn trang bị máy quay phim có dán logo của Đài và có lệnh điều xe chở phóng viên xuống hiện trường trên để tác nghiệp. Đây vẫn được xem là hoạt động báo chí của cơ quan báo chí; nhà báo, phóng viên đi tác nghiệp theo yêu cầu của cơ quan, theo đúng các quy định của pháp luật, phải được xem là người đi thực hiện nhiệm vụ, kể cả khi tác nghiệp ngoài giờ.

“Khi nhận được văn bản của cơ quan điều tra, tôi khá ngạc nhiên. Tác nghiệp trên đất ruộng của dân, hoàn toàn nằm ngoài nhà máy mà sao phải giới thiệu với người nhà máy; phóng viên đi tác nghiệp mà phải đeo logo để cho ai cũng biết là nhà báo thì làm sao tác nghiệp được, nhất là thực hiện đề tài điều tra. Từ trước đến nay, tôi mới nghe chuyện lạ lùng như thế” - PV Phạm Đức Cảnh bức xúc.

Hoạt động tác nghiệp của nhóm nhà báo, phóng viên trong trường hợp này là ngoài Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, không nằm trong khu vực cấm quay phim, chụp ảnh nên phù hợp với quy định của pháp luật, phải được các cơ quan nhà nước bảo hộ. Nhóm nhà báo, phóng viên tác nghiệp bên ngoài nhà máy xử lý rác không có trách nhiệm phải giới thiệu với người làm việc trong khu vực nhà máy.

Những người trên không chỉ có hành vi hành hung3 nhà báo, phóng viên, mà còn thu giữ trái phép phương tiện tác nghiệp (giật máy quay, rút thẻ nhớ). Do đó, Hội Nhà báo tỉnh đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm trước pháp luật.

Ngày 15/12/2017, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Long An Trần Thị Vẹn cho biết “Hội nhà báo tỉnh vừa nhận được công văn của Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các ngành chức năng tỉnh Long An điều tra, xem xét khách quan, làm rõ sai phạm của các đối tượng cản trở, hành hung phóng viên theo đúng quy định của pháp luật”.

Công văn nêu rõ, Hội Nhà báo Việt Nam với trọng trách bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của phóng viên, hội viên đề nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo Công an tỉnh Long An, Công an huyện Thạnh Hóa điều tra, xem xét khách quan, làm rõ sai phạm của các đối tượng liên quan trong vụ việc theo đúng quy định của pháp luật và thông tin để Hội Nhà báo Việt Nam được biết kết quả.

Cùng ngày, Hội Nhà báo tỉnh Long An cũng nhận được văn bản phúc đáp của Công an huyện Thạnh Hóa đối với công văn của Hội trước đó về đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm vụhành hung nhà báo, phóng viên xảy ra trên địa bàn huyện Thạnh Hóa. Văn bản trả lời của Công an huyện Thạnh Hóa không lý giải hay đề cập những phản ứng của Hội nhà báo về những lý do “đi tác nghiệp không đeo logo báo, đài... là không bảo đảm yếu tố thi hành công vụ”. Ngược lại, văn bản trả lời chỉ nêu: Căn cứ Điều 329 Bộ luật Tố tụng hình sự, Công an huyện Thạnh Hóa nhận thấy: Nội dung công văn của Hội Nhà báo tỉnh Long An thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thạnh Hóa. Theo đó, Công an huyện Thạnh Hóa đã chuyển công văn của Hội Nhà báo tỉnh Long An đến Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thạnh Hóa giải quyết theo thẩm quyền.

Theo Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Môi trường làm báo tỉnh cũng khá chuyên nghiệp! (27/01/2018-20:39)
  • “Làm báo đi là để hiểu và hiểu để rồi lại đi” (23/01/2018-8:16)
  • Nguyễn Chung và tâm thế nhập cuộc, tâm thế viết (17/01/2018-8:42)
  • Hội Báo toàn quốc 2018 dự kiến diễn ra từ ngày 16 -18/3/2018 (11/01/2018-15:13)
  • Nâng cao kỹ năng tự bảo vệ của nhà báo khi tác nghiệp (08/01/2018-23:10)
  • Người thích tìm kiếm những câu chuyện mở màn (02/01/2018-16:06)
  • Sàng cho kỹ, tuyển cho tinh! (02/01/2018-16:01)
  • Quyết liệt thanh, kiểm tra "tôn chỉ mục đích" các báo (29/12/2017-8:17)
  • “Chạm đến những vấn đề nghiêm trọng bằng một bàn tay nhẹ nhàng” (29/12/2017-8:13)
  • Xử phạt 55 cơ quan báo chí gần 1,3 tỷ đồng trong năm 2017 (28/12/2017-8:07)