Chủ nhật, ngày 28/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Bàn về đạo đức người làm báo thời cách mạng công nghiệp 4.0 (22/06/2018-9:27)
    Trong thời đại công nghệ phát triển, thông tin kết nối toàn cầu, báo chí truyền thông có nhiều cơ hội để phát triển song cũng gặp không ít thách thức. Đạo đức người làm báo và những vấn đề liên quan luôn được dư luận xã hội quan tâm, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như ngày nay.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm gian trưng bày các ấn phẩm của TTXVN
tại Hội báo Toàn quốc năm 2018. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
 
Bài 1: Báo chí cách mạng: Gần một thế kỷ vững vàng

Báo chí Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện phát triển và đã không ngừng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế vững vàng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Qua nhiều giai đoạn phát triển, hầu hết người làm báo cách mạng đều giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và tự hào về nền báo chí nước nhà. 

Vũ khí cách mạng sắc bén 

Gần một thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành công cụ sắc bén tuyên truyền bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhất là nhân dân lao động, là cầu nối giữa Đảng và nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Trong công cuộc xây dựng và phát triển ngày nay, báo chí cách mạng đã phát huy vai trò tích cực, kiên quyết đấu tranh với cái cũ, tàn dư của chế độ phong kiến, thực dân, đế quốc; cổ vũ, biểu dương, phổ biến những cái mới, điển hình tiên tiến trong lao động, học tập, chiến đấu. Báo chí làm tốt nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, chính trị; góp phần lan tỏa sự tiến bộ, sáng tạo trong quần chúng nhân dân. 

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ về nội dung, hình thức; từng bước đổi mới để thích ứng với sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy: Đến cuối năm 2017, cả nước có 849 cơ quan báo chí in, 664 tạp chí, 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình với tổng số 281 kênh phát thanh, truyền hình được cấp phép, 195 cơ quan báo chí điện tử, 178 trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép. 

Với sự lớn mạnh ấy, báo chí đã đóng góp không nhỏ vào thành quả chung của công cuộc đổi mới: Tích cực phát hiện, đấu tranh kiên quyết với hành vi tham nhũng, lãng phí; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy vai trò dân chủ của người dân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Báo chí cũng đấu tranh phản bác thông tin sai trái, quan điểm thù địch, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; tuyên truyền hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế… 

Nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm xã hội của nhà báo 

Thế hệ những người làm báo đầu tiên của Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là những nhà báo "tay ngang." Họ không làm báo chuyên nghiệp mà coi báo chí là giải pháp, phương thức đấu tranh, song vẫn luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, đạo đức người làm báo.

Đến nay, các thế hệ người làm báo Việt Nam vẫn không thể quên nhà báo Nguyễn An Ninh “chí muốn làm cơn gió thổi” (như lời của ông nói với nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, trích trong hồi ký của bà Nguyễn Thị Minh - con gái ông); nhà báo Phan Đăng Lưu khẳng định “Báo Dân từ trước đến nay chỉ có một mục đích, một phương châm là bênh vực dân, giúp đỡ dân…” (Báo Dân, 1939)… 

Sau đó, phải kể đến những gương mặt nhà báo: Lê Đình Bì, Thanh Ba, Hữu Thọ, Nguyễn Minh Hiền, Huỳnh Sơn Phước, Phạm Phú Bằng, Đào Tùng, Phan Quang, Hoàng Tùng… Trong mọi hoàn cảnh, họ luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức người làm báo, mãi là những tấm gương sáng cho nhà báo thế hệ sau noi theo, góp phần thúc đẩy sự nghiệp báo chí Việt Nam ngày một vững vàng, lớn mạnh. 

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Việt Nam có hơn 500 nhà báo liệt sỹ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường, trong lúc đang tác nghiệp vì lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định: “Đó là khí phách báo chí cách mạng Việt Nam, là bản lĩnh người làm báo Việt Nam. Đó cũng chính là tinh túy, cốt lõi, là căn cứ giúp ta đi sâu, đánh giá và phân tích toàn diện những thành tựu của báo chí cách mạng Việt Nam từ khi xuất hiện đến nay."

Nhà báo tác nghiệp. (Nguồn: TTXVN)

Gần một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam là công cụ sắc bén về chính trị, văn hóa của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội; là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Các cơ quan báo chí, các nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam các cấp đều tin tưởng tuyệt đối, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước; luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích của báo chí; cổ vũ mạnh mẽ phong trào hành động cách mạng của nhân dân vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. 

Theo Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 12/2017, cả nước có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ; phẩm chất chính trị, trình độ văn hóa, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo ngày một nâng cao. Phần lớn các nhà báo có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, hành nghề trung thực, tuân thủ pháp luật và quy chế về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Tuyệt đại bộ phận người làm báo trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. 

Những người làm báo hôm nay luôn theo gương Bác Hồ và các thế hệ đi trước, tiên phong có mặt ở những tuyến đầu, "điểm nóng," thực hiện trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân về thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm,
 nghĩa vụ của người làm báo...



Bài 2: Chuyện vui, buồn...

Bước sang thời đại mới - thời đại số với việc ứng dụng công nghệ hiện đại, để tồn tại và phát triển, báo chí đã có những biến chuyển mới. Trong quá trình thích ứng đó, làng báo Việt Nam có không ít những câu chuyện bi - hài về đạo đức người làm báo.

Có chuyện vui… 

Trong một lần trò chuyện với nhà báo Lê Duy Truyền, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), tôi được nghe ông kể câu chuyện về những người làm báo thời đại công nghệ, những người biết vận dụng tốt mạng xã hội để mang lại hiệu quả truyền thông tích cực cho người dân và cho xã hội. Đó là những người làm báo có đạo đức.

Quang cảnh buổi Tọa đàm “Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0” trong khuôn
khổ Hội báo toàn quốc năm 2018, ngày 17/3, tại Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Câu chuyện bắt đầu từ nhiều năm trước khi một số đơn vị của TTXVN đã nhiều lần sử dụng mạng xã hội như một môi trường để tác nghiệp. Những năm tháng ấy, TTXVN từng được đánh giá là cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam tích hợp mạng xã hội trong tác nghiệp để đưa tin về thảm họa động đất - sóng thần ở Nhật Bản (tháng 3/2011) cũng như về hoạt động cứu trợ các nạn nhân thảm họa này.

Khi đó, mạng xã hội đã trở thành phương tiện kết nối nhanh nhất giữa tòa soạn với các phóng viên, cộng tác viên tại Nhật Bản. Sau khi động đất xảy ra chỉ khoảng 30 phút, TTXVN đã có những bài viết, hình ảnh đầu tiên của người Việt Nam gửi về từ vùng động đất cùng với những thông tin của phóng viên thường trú tại Nhật Bản.

Ngay sau đó, một diễn đàn được tạo ra để chia sẻ thông tin về du học sinh Việt Nam, những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, những địa chỉ liên hệ mà những người Việt Nam đang ở trong vùng thảm họa có thể nhận được sự hỗ trợ từ người làm công tác bảo hộ lãnh sự đối với công dân Việt Nam tại Nhật Bản. 

Những thông tin này đã nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng mạng. Bằng cách đó, những người Việt Nam còn đang mắc kẹt ở các vùng vừa trải qua thảm họa cũng như gia đình họ đã nhanh chóng ra khỏi “khủng hoảng tâm lý”. 

Kết thúc câu chuyện, nhà báo Lê Duy Truyền nhấn mạnh: Trong biển thông tin nhiều chiều, trong không gian kết nối đa chiều giữa nhà báo và độc giả, chúng ta (những người làm báo - PV) phải giữ vững được giá trị cốt lõi của báo chí chính thống, bởi đó chính là sức mạnh của nền tảng báo chí cách mạng.

Cuối năm 2017, trong số các tác phẩm đoạt giải A Giải “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, ở thể loại Báo điện tử có loạt bài 8 kỳ của tác giả Nguyễn Hòa Văn “Chống được "chạy" sẽ thành công” (đăng trên Tạp chí Người làm báo và một số báo khác). Loạt bài được dư luận quan tâm, là minh chứng của việc báo chí lên tiếng về một số điều luật không mạnh, không đứng về phía nhân dân và cổ xúy hoặc bảo vệ quan điểm của nhóm lợi ích. 

Giải “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 1/2017. Sau gần 1 năm phát động, Ban Tổ chức Giải đã nhận được 1.126 tác phẩm báo chí ở các loại hình. Đầu năm 2018 có 31 tác phẩm báo chí xuất sắc được lựa chọn để trao các giải A, B, C và Khuyến khích. 

Có lẽ đây là câu chuyện đáng mừng của làng báo, cho thấy vẫn còn nhiều người làm báo thể hiện trách nhiệm, tinh thần dấn thân, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm để có được các tác phẩm báo chí hay, có tính chiến đấu cao và tính nhân văn sâu sắc, tạo nên những tác động tích cực trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.

… Và cả những chuyện buồn

Chỉ cách đây mấy hôm, tôi được nghe Chủ tịch một tỉnh kể câu chuyện đáng buồn của làng báo rằng ông và không ít vị lãnh đạo địa phương thường gặp phải nhiều trường hợp lợi dụng danh nghĩa nhà báo để “ép” quảng cáo. Gặp nhiều rồi nên dịp giáp Tết vừa qua, khi có cuộc gọi đến, ông đã từ chối. Sau nhiều lần liên lạc, “đối phương” nhẹ nhàng nhắn tin rằng “… đã phát hiện ở tỉnh nhà có…, cần ý kiến của anh”, cực chẳng đã ông đành “gặp tí cho xong!”.

Kết quả là ông đã phải ký vào một hợp đồng quảng cáo tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trị giá 30 triệu đồng. Nhưng nhận thấy địa phương mình không cần thiết đăng những thông tin này nên ông yêu cầu chỉ cần đăng cái thiệp chúc mừng năm mới trên tờ báo đó.

Tháng 4/2018, vụ cà phê trộn pin lan truyền trên báo chí, sau đó là trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt mà phần đông là “nghe nói, nghe đồn, nghe báo đăng…”. Vụ việc ầm ĩ đến mức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vụ việc gây mất uy tín hàng Việt và yêu cầu cần điều tra, khởi tố vụ việc.

Khi vụ “cà phê pin” chưa kịp lắng xuống, thì báo mạng lại một lần nữa nóng lên với những thông tin phát hiện hạt tiêu trộn bột pin và có hẳn cơ sở sản xuất bột pin để phục vụ hoạt động này. Được sự chỉ đạo của Thủ tướng, các ngành chức năng rốt ráo vào cuộc. Cuối cùng sự thật được làm rõ: Bột pin được trộn vào phụ phẩm hạt cà phê và đá sỏi vụn không phải để làm cà phê, mà là làm… hạt tiêu giả. 

Những hành động như vậy không chỉ phá hoại ghê gớm nền sản xuất, mà trong vụ “cà phê pin - hạt tiêu pin” này, giá trị hàng hóa của hạt cà phê, hạt tiêu sụt giảm, chất lượng bị nghi ngờ, thậm chí bị tẩy chay, đẩy rất nhiều người liên quan vào cảnh bị liên lụy, khốn cùng. 

Gần đây, rộ lên không ít những câu chuyện được đăng tải trên báo giấy, báo mạng, trang thông tin điện tử… là sản phẩm tưởng tượng. Chẳng hạn từ chuyện một nữ sinh hệ cao đẳng gặp một số vấn đề nhỏ trong học hành, nghề nghiệp bỏ lên Đà Lạt chơi; rất nhiều “tờ báo” đã dựng lên câu chuyện ly kỳ, bí hiểm rằng nữ sinh này mất tích. Rồi từ một bức thư được ngụy tạo - Thư gửi bố ở Trường Sa, một số trang báo đã không kiểm chứng, vô tư đăng lại như một phát hiện chấn động, thu hút sự quan tâm của không ít người.


Tần xuất dày đặc và khá phổ biến là những bài viết khai thác tận cùng đời tư của người nổi tiếng với những cái tít “gợi tò mò” như: Bốn người phụ nữ đi qua cuộc đời của nghệ sĩ hài C.L; Vợ C.Đ.K đáp trả khi chồng lên tiếng bảo vệ H.H… Trong khi đó, những vấn đề đang ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước, làm xói mòn lòng tin lại ít được nhắc đến. Thậm chí, với nhiều sự kiện chính trị lớn, ảnh hướng đến toàn xã hội, nhiều “báo” chỉ đăng tin theo kiểu “đăng cho có”. 

Không thể phủ nhận, có những thời điểm công chúng thất vọng với hệ thống báo chí chính thống bởi sự thiếu vắng những tác phẩm nhận diện sâu các vấn đề nóng hay đủ sự diễn giải, phân tích, bình luận tìm ra căn nguyên, gốc rễ thực chất của các vấn đề, sự kiện mà xã hội đang quan tâm để có định hướng dư luận một cách thuyết phục; hoặc chưa có những bài viết phản biện sâu sắc. Câu chuyện này nói lên bản lĩnh, đạo đức người làm báo chưa vững vàng trước sóng gió truyền thông; việc xử lỷ khủng hoảng truyền thông, đôi khi còn bị lệ thuộc bởi thái độ của người lãnh đạo hoặc “nhóm lợi ích”. 

Đáng buồn hơn nữa là những tờ báo được gọi là “báo mạng” đăng tải nhiều thông tin, bài viết có thiên hướng “lá cải”, chuyên “giật tít câu view” thường được ghi nhận có lượng độc giả lớn hơn nhiều so với những tờ báo chính thống. Điều này vô tình tạo cơ hội cho các báo xu hướng “lá cải” ngày càng trở nên phổ biến, dẫn đến công chúng dần mất niềm tin với báo chí. Mà khi niềm tin mất đi, đọc giả sẽ xa rời báo chí, đánh mất thói quen mua, đọc, xem báo. Tình trạng này nếu kéo dài thì liệu báo chí của chúng ta còn có tương lai? 

 


Bài 3: Nhận diện hành vi vi phạm

Cùng với quá trình toàn cầu hóa, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông cũng như mạng Internet, khủng hoảng đạo đức báo chí không chỉ bó hẹp trong một quốc gia mà trở thành vấn đề chung được các nhà quản lý, giới chuyên môn và một bộ phận độc giả trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm.

 

Tọa đàm với chủ đề: “Nghề báo ảnh trong thế giới hiện đại” do Đại sứ quán Vương
quốc Hà Lan phối hợp với

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Để giải quyết vấn đề này, mỗi quốc gia đều có những cách xử lý riêng và Việt Nam cũng vậy. Để có thể vận dụng đúng các yêu cầu, chuẩn mực đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp, trước tiên cần thống nhất cách hiểu về đạo đức nghề báo. 


Thế nào là đạo đức người làm báo? 

Tại hầu hết các hội thảo, tọa đàm về vấn đề này, đa số các nhà báo, nhà quản lý lĩnh vực báo chí, những
người quan tâm đến báo chí đều cho rằng đạo đức người làm báo không phải là một khái niệm trừu tượng, khó hiểu đến nỗi không thể làm theo, nó hiển hiện trong đời sống hàng ngày. Mỗi cá nhân ứng xử trên cơ sở đạo đức của xã hội, là lương tâm, trách nhiệm xã hội của nhà báo. 

Trong cuốn “Cơ sở lý luận báo chí” của mình, E.P. Prokhorop khẳng định: Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là những quy định đạo đức không được ghi trong đạo luật, nhưng được chấp nhận trong giới báo chí và được duy trì bởi sức mạnh của dư luận xã hội, bởi các tổ chức sáng tạo nghề nghiệp. Đó là những nguyên tắc, những quy định hoặc quy tắc về hành vi đạo đức của nhà báo. 

Tác giả Phạm Thành Hưng, trong cuốn "Thuật ngữ Báo chí – Truyền thông” lại chỉ ra rằng, đạo đức báo chí là khái niệm chỉ tư cách, lương tâm nghề nghiệp trong hoạt động báo chí, biểu hiện qua hành vi, nguyên tắc ứng xử của người làm báo. 

Như vậy, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi ứng xử của nhà báo trong các mối quan hệ nghề nghiệp. Tại Việt Nam, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau với ý nghĩa đồng nhất, là: Đạo đức nghề báo, đạo đức báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, đạo đức nhà báo. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Duy Thông, nguyên Tổng Biên tập báo điện tử Tầm Nhìn cho biết thêm: Việt Nam là một trong số các quốc gia có hệ thống chính trị do một đảng lãnh đạo. Báo chí cũng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trung thành tuyệt đối với hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu. Đó là nét đặc thù, là tính chất của nền báo chí Việt Nam. Vì vậy, tiêu chí đạo đức của báo chí Việt Nam là trung thành với lợi ích của Đảng. Với tiêu chí đó, nhà báo có nghĩa vụ tuyên truyền, quảng bá, giải thích, vận động, cổ vũ và tổ chức thực hiện những đường lối, chính sách của Đảng; biểu dương những cá nhân và tổ chức thực hiện tốt, chống lại những quan điểm, hành động đi ngược hoặc chống đối Đảng và hệ thống chính trị. Đó là một nguyên tắc và cũng là tiêu chuẩn đạo đức của người làm báo Việt Nam. 

Vậy thế nào là nhà báo có đạo đức? Theo Chirist Frost, thuật ngữ “nhà báo có đạo đức” được hiểu là thu thập thông tin trung thực, chính xác dựa trên sự thật, giành được sự quan tâm và xuất bản tin tức đó kịp thời cho công chúng. 

Bill  Kovach và Tom Rosentiel - 2 tác giả cuốn sách “Các yếu tố của báo chí” khẳng định: Điều bắt buộc đầu tiên của báo chí là sự thật. Đồng thuận với quan điểm này, nhà báo Peter Arnett, người từng đạt giải Pulizer (một trong những giải thưởng danh giá nhất về báo chí) năm 1966 với những tác phẩm báo chí về chiến tranh Việt Nam cho rằng “phải viết như sự thật vốn có” mặc dù “nhà báo cần có những phong cách riêng và độc lập”. Ông cũng nhấn mạnh, phóng viên nên làm việc tích cực, thu thập thông tin, phỏng vấn, tuân theo các quy định, đưa ra những đánh giá chung về một sự việc một cách khách quan. Phóng viên phải là người có trách nhiệm vì quần chúng và mang lại lợi ích cho xã hội. 

Nói đến đạo đức nghề nghiệp, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản lại nhấn mạnh hai khía cạnh: Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo khi tác nghiệp và phẩm chất đạo đức của nhà báo. Theo ông, có phẩm chất đạo đức tốt, có đạo đức nghề nghiệp sẽ hứa hẹn một nhà báo giỏi, có trách nhiệm với xã hội, với những tác phẩm báo chí chất lượng. Một nhà báo thiếu phẩm chất đạo đức khi viết bài phê bình các hiện tượng tiêu cực cũng ví như người đi tuyên truyền, thuyết giảng về giá trị đạo đức mà bản thân lại thiếu hụt những giá trị đó. Cách nói và làm khác nhau sẽ rất khó thuyết phục. 

“Hiến pháp năm 1992 và năm 2013 của Việt Nam đều quy định rõ quyền tiếp cận thông tin của công dân. Để đảm bảo việc thực hiện các quy định của Hiến pháp, pháp luật về quyền tiếp cận thông tin, trên nền tảng công nghệ hiện đại và không ngừng phát triển, những người cầm bút có đạo đức phải kiên trì theo đuổi những nguyên tắc báo chí là: Trung thực, khách quan, kịp thời và trách nhiệm”- nhà báo Lê Duy Truyền, nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN chia sẻ. 

Hành vi vi phạm đạo đức báo chí 

Sự xói mòn của đạo đức báo chí đi liền với quá trình thương mại hóa, đã, đang diễn ra trong ngành công nghiệp truyền thông. Áp lực lợi nhuận kinh doanh, thời gian hoàn thành công việc đặt một bộ phận không nhỏ vào tình thế sẵn sàng vi phạm các nguyên tắc đạo đức để kịp thời tạo ra được những ấn phẩm truyền thông có thể tiêu thụ nhanh với giá hời. Hệ quả tất yếu của quá trình này là sự xuất hiện tràn lan, không thể kiểm soát được các thông tin mang nặng tính giải trí, nội dung nghèo nàn và nhiều khi không thể kiểm chứng. 

Năm 2017, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tiến hành xử phạm vi phạm hành chính đối với 27 trường hợp. 

Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 714 triệu đồng. Đã có 1 giấy phép hoạt động báo chí và 10 thẻ nhà báo bị thu hồi. Cùng trong năm này, Cục cũng tham mưu lãnh đạo Bộ đình bản tạm thời 5 cơ quan báo chí, trong đó có 4 trường hợp bị đình bản 3 tháng. Từ đầu năm đến giữa tháng 6/2018, Cục Báo chí cũng đã xử phạt 12 trường hợp với tổng số tiền 58 triệu đồng; thu hồi 1 thẻ nhà báo. Đáng chú ý, các sai phạm đều của báo điện tử, hình thức sai phạm chủ yếu là thông tin sai sự thật. 

Nói về những hành vi vi phạm đạo đức nghề báo phổ biến nhất trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho hay: Trong những hành vi không chuẩn mực, có những hành vi do non yếu về trình độ, bản lĩnh chính trị, nhưng cũng có những hành vi cố tình vi phạm về pháp luật, vi phạm về đạo đức nghề nghiệp. 

Một trong những lỗi phổ biến hiện nay là lấy tin từ mạng xã hội nhưng không kiểm chứng. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, phương tiện để lan truyền những sai lệch nhanh, mạnh mẽ, gây tác động lớn hơn nhiều so với trước. Bên cạnh đó, do đặc thù của mạng xã hội nên thông tin có độ lan tỏa với tốc độ chóng mặt. Nhiều khi những thông tin không được kiểm chứng gây bão trên mạng xã hội và có tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, làm cho người dân tiếp cận thông tin không chuẩn mực bị phân tâm, hoang mang hay hiểu sai về chính sách, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước. 

Tuy nhiên không có sai phạm nào chỉ một người, sai phạm của một cá nhân hay một tập thể liên đới đến những người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành tổ chức đó. Khi xử lý một sai phạm trên báo chí, người chịu trách nhiệm trực tiếp, đầu tiên trước pháp luật, trước xã hội là người đứng đầu, quản lý đơn vị báo chí; sau đó là những người liên quan, người trực tiếp gây ra sai phạm. Bởi vậy, xây dựng đạo đức báo chí là xây dựng một cách làm nghề trong cả dây chuyền hoạt động báo chí để đảm bảo từ khâu đầu đến khâu cuối đều phải thực hiện theo nguyên tắc, chuẩn mực.  

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận vai trò của mạng xã hội. Trước những thay đổi của thời đại mới, nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: Không nên đối lập giữa báo chí và mạng xã hội mà nên tìm cách khai thác những tiện ích từ mạng xã hội. Nhưng tất cả thông tin từ mạng xã hội phải được kiểm chứng. Báo chí chỉ có thể hoàn thành trách nhiệm khi tạo được tính tin cậy đối với xã hội, đưa ra xã hội những thông tin chính xác, kịp thời, hữu ích, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.



Bài 4: Giữ gìn 'mắt sáng, lòng trong, bút sắc'

Việc giữ gìn đạo đức người làm báo thời nào cũng khó, mỗi thời kỳ có những khó khăn khác nhau. Dưới góc nhìn của mình, các chuyên gia không những quan tâm đến việc giữ gìn mà còn quan tâm đến việc làm thế nào đề phát huy đạo đức người làm báo.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN

Giữ vững đạo đức người làm báo cách mạng

Cùng tiến trình thực hiện đổi mới đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng. Trong sự lớn mạnh đó, cũng còn nhiều tiêu cực xảy ra, sai lệch bản chất cách mạng của báo chí. Trong đó vấn đề đạo đức người làm báo luôn luôn được xã hội quan tâm. Vấn đề này dù đã được đưa ra bàn thảo nhiều và cũng không ít văn bản của các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam được ban hành, nhưng chưa phát huy mạnh mẽ vai trò của chúng trong hoạt động thực tiễn.

Khắc phục điều này, Luật Báo chí 2016 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Luật bổ sung những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, trong đó quy định Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Thực hiện quy định của Luật Báo chí 2016, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; Chỉ thị 120/CT - HNB về tổ chức học tập, thực hiện 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Ngày nay, rất nhiều yếu tố tác động đến việc giữ gìn, rèn luyện đạo đức người làm báo. Quy định về đạo đức nhà báo là cẩm nang để mỗi người làm báo dựa vào và tuân thủ. Việc rèn luyện đạo đức của người làm báo phụ thuộc trước hết vào ý thức của mỗi nhà báo. Ý thức quyền lực cần đi liền với ý thức trách nhiệm nặng nề của người làm báo. Nhà báo cần luôn biết "sợ" mỗi khi cầm bút. Đó là nỗi sợ về ý thức trách nhiệm, nỗi sợ để giúp nhà báo trả lời chính xác các câu hỏi luôn đặt ra cho mỗi người làm báo “Viết cho ai?”, “Viết để làm gi?”.

Với trách nhiệm công dân và nghĩa vụ của người làm báo, nhà báo cần thể hiện tinh thần cầu thị, quyết tâm sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm. Các nhà báo phải nỗ lực, không ngừng làm mới mình về tư duy, chỉ đạo, quản lý, tác nghiệp, đưa đến công chúng những thông tin, kiến giải chuẩn xác nhất, sinh động, hấp dẫn và đầy tinh thần trách nhiệm.

Là một trong những lãnh đạo trực tiếp của Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, bên cạnh sự tự rèn luyện, tu dưỡng của nhà báo, hệ thống pháp luật cũng phải được hoàn thiện để xây dựng nền báo chí vừa giàu tính chiến đấu, vừa giàu tính nhân văn, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, vì lợi ích chung của xã hội, của đất nước… Mặt khác, cũng cần tăng cường hiệu lực quản lý, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh để tiếng nói tích cực đủ sức mạnh đẩy lùi những cái ác, cái xấu.

Để giữ vững, phát huy đạo đức người làm báo cách mạng, Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc chỉ ra rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Theo ông Phúc, để đảm bảo cho báo chí thực sự là công cụ tin cậy của Đảng, Nhà nước, thể hiện tiếng nói của nhân dân, đòi hỏi những người làm báo phải vững vàng về lập trường, quan điểm, trong sáng về đạo đức, lối sống; sắc bén về chuyên môn, nghiệp vụ. 

Trong suốt quá trình phát triển của sự nghiệp báo chí, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, bồi dưỡng về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. Bởi vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ, những người làm báo luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, bám sát thực tiễn, không ngừng sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có chất lượng cao, phản ánh trung thực mọi mặt của đời sống xã hội.
Chú trọng đào tạo về đạo đức báo chí
Trước những biến đổi của thời đại, môi trường báo mạng thay đổi nhanh chóng và khó có thể dự đoán. Ngày càng có nhiều công chúng, nhất là lớp trẻ lấy thông tin từ các website. Các bạn đọc trẻ này hoàn toàn bị các trang mạng điều khiển với nội dung thường được quyết định theo xu hướng vì mục đích lợi nhuận hơn là phục vụ dân trí. Vì thế, thách thức lớn nhất đối với công tác đào tạo nhà báo hiện nay là làm thế nào để giúp họ tăng cường các kỹ năng làm báo hiện đại; đồng thời nâng cao vai trò, đạo đức của người làm báo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Trong việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ quan tâm hơn nữa đến đào tạo về đạo đức báo chí cho phóng viên, coi đây là điểm nhấn trong các mô hình đào tạo thời gian tới. Điểm quan trọng không kém trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà báo là các hội thảo chuyên đề về đạo đức báo chí cần được tổ chức gắn với các khóa học kỹ năng, thông qua các cuộc thảo luận của học viên với các tình huống cụ thể.

Nói về vấn đề này, Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh: Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao về chính trị, nghiệp vụ, đạo đức cho đội ngũ người làm báo cần được thực hiện một cách nghiêm túc, thực chất, hiệu quả. Ngay cả đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí cũng phải không ngừng học tập, rèn luyện để luôn vững vàng về chính trị, nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng, để đảm trách vai trò “cầm cương cho tòa soạn” giữ vững vị trí, trách nhiệm xã hội và sứ mệnh cao cả của cơ quan báo chí.

Cùng chung quan điểm đó, nhà báo Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh, Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh cho biết thêm: Để xây dựng được đội ngũ làm báo cách mạng có bản lĩnh, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, công tác đào tạo phóng viên cần có sự đột phá về việc tuyển sinh, chương trình dạy và phương pháp; cần giáo dục sâu hơn về truyền thống, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của lớp lớp các thế  hệ nhà báo cách mạng đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc. Các cơ quan báo chí cần đổi mới trong cách tuyển dụng, trong đào tạo, đào tạo lại, mạnh dạn đầu tư tuyển dụng những người đã qua hoạt động thực tiễn, có năng khiếu báo chí, được tôi luyện và thử thách để đào tạo lại nghề báo…

Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân Vũ Mạnh Hùng đưa ra 2 giải pháp chủ yếu nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo. Trong đó, bên cạnh việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí, ngành chủ quản, các cấp Hội Nhà báo trong việc tăng cường giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên, biên tập viên, cũng cần thống nhất quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo.

Đạo đức nghề nghiệp là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí. Trong nhiều trường hợp, đạo đức nghề nghiệp còn được nhấn mạnh hơn nghiệp vụ báo chí. Bởi người làm báo có thể học tập, đúc rút kinh nghiệm về nghiệp vụ, nhưng đạo đức nghề nghiệp là yếu tố thuộc tư chất của con người, mà nổi lên là tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc đối với công việc. Chính vì vậy, cùng với việc tích cực học tập, trau dồi đạo đức, mỗi nhà báo phải tự thấy vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội để giữ gìn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Theo Mỹ Bình/ Thông Tấn Xã Việt Nam


 

Các tin khác:
  • Chắt lọc tinh túy của báo chí, tôn vinh cống hiến của nhà báo - Trăn trở và mong đợi (20/06/2018-8:25)
  • Quyết liệt… cần nhưng chưa đủ (20/06/2018-8:22)
  • Không ngừng trau dồi nghiệp vụ, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí (19/06/2018-15:08)
  • Đạo đức người làm báo thời cách mạng 4.0: Nhận diện hành vi vi phạm (19/06/2018-15:06)
  • Báo chí Thanh Hoá và chức năng phản biện xã hội (19/06/2018-7:27)
  • Nhìn từ những kỷ niệm “tác nghiệp” đáng giá! (16/06/2018-21:16)
  • Nhà báo Hà Đăng - Mãi là tấm gương trong (14/06/2018-13:35)
  • Cánh cửa nào mở ra phía an toàn? (14/06/2018-13:33)
  • Nghề báo - Nghề cao quý! (13/06/2018-8:48)
  • Chính sách BHXH, BHYT được báo chí phản ánh sinh động, kịp thời (13/06/2018-8:42)