Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Câu chuyện của sự phối hợp (28/06/2018-8:30)
    “Sản phẩm của truyền hình là sản phẩm của tập thể”. Câu nằm lòng ấy đã được người thầy đầu tiên hướng dẫn tôi khi bước chân vào nghề báo. Và giờ khi đã có hơn 10 năm công tác tại Đài PT&TH Thanh Hóa, tôi vẫn thấm thía và luôn nhắc nhở bản thân hoạt động theo đúng tôn chỉ ấy.
Phóng viên Đài PT&TH Thanh Hóa nỗ lực để có những thước phim chất lượng

Ý tưởng ban đầu có thể bắt nguồn từ phóng viên biên tập, hoặc có thể từ phóng viên quay phim hay từ những kỹ thuật viên. Câu chuyện chúng tôi bắt tay vào việc thực hiện Phóng sự “Tôi vẫn tu” năm 2011 để dự thi Liên hoan Truyền hình toàn quốc là một ví dụ cụ thể.

Năm ấy, được sự định hướng từ Ban Biên tập, Phòng Thời sự Chính trị, ngay sau đó chúng tôi đã triển khai thực hiện phóng sự chân dung về một người từng xuất gia tu hành, nhưng vì nhiều lý do trở về quê hương phát triển kinh tế. Bắt đầu như thế nào để cho ra một tác phẩm phóng sự ngắn dự thi với tôi không hề đơn giản. Người thì gợi ý: hãy bắt đầu thật khác cách thể hiện trong tác phẩm với cách mà bản thân vẫn thực hiện các phóng sự phát trên truyền hình. Còn các đồng nghiệp của tôi thì nhắn nhủ hãy tiếp cận với nhân vật mới có được câu trả lời. Và tôi đã phóng xe máy thật nhanh đến huyện Thiệu Hóa để gặp gỡ nhân vật chính trong phóng sự. Chúng tôi đã bị thuyết phục hoàn toàn về nhân vật và luôn nhắc nhớ phải làm thế nào để chuyển tải ý nghĩa của phóng sự đến khán giả với thông điệp: những việc làm chân chính, thiện ích thì không có ranh giới giữa người tu hành hay người nhập thế. Nhưng ý nghĩa ấy được thể hiện bằng hình ảnh như thế nào là câu chuyện không đơn giản. Những đồng nghiệp của tôi như quay phim Đăng Tuyển, Đức Tình đã thể hiện trọn vẹn những điều đó bằng những khuôn hình ấn tượng, khó quên. Câu kết của phóng sự mang ý nghĩa: nhân vật chính làm tất cả những việc đó không vì vụ lợi, không vì vật chất tầm thường. Làm thế nào để thể hiện: bằng tất cả tri thức, nhận thức hiện có của bản thân, chúng tôi đã quyết định chọn hình ảnh giọt nước trên lá sen như một ẩn dụ. Khi đó, những tháng cuối năm, sen tàn, bối cảnh không hoàn hảo như mục tiêu ban đầu. Và khi lựa chọn được khung cảnh để tác nghiệp ở một ngôi chùa huyện Thiệu Hóa, tôi và phóng viên Đức Tình đã nhanh chóng đến kịp thời thực hiện cảnh quay như dự kiến trong kịch bản. Với tôi, đó là một hình đẹp, xúc động về tình yêu lao động báo chí  chân chính của đồng nghiệp. Phóng sự “Tôi vẫn tu” đạt Bằng khen tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm ấy. Sự ghi nhận ấy là động lực cho chúng tôi, những phóng viên trẻ, yêu nghề thêm vững tin và có thêm động lực. Và với tôi đó là phần thưởng vô giá trong cuộc đời làm báo của mình.

Sự phối hợp trong nghề báo ở từng bộ phận khác nhau mà ở đó, mỗi khâu là một vị trí việc làm đều không kém phần quan trọng để tạo nên một tác phẩm báo chí tốt.

Vẫn là câu chuyện tác nghiệp, trước sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần năm 2013, nhóm phóng viên chúng tôi được giao nhiệm vụ thực hiện loạt phóng sự về tình cảm của nhân dân Thanh Hóa với Đại tướng. Chúng tôi vẫn nhớ, ngày cuối cùng thể hiện phóng sự, chúng tôi ghi hình những dòng người lặng lẽ đến viếng Người tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Không hiểu vì lý do gì, mà phóng viên quay phim của chúng tôi đã ghi sai màu những hình ảnh ấy. Khi xem lại băng, tôi thấy rất bối rối: ý tưởng đã chuẩn bị, lời bình cũng đã viết, những hình ảnh ấy vô cùng quý giá cần phải dùng... Chúng tôi đã xin ý kiến Ban biên tập và được sự chấp thuận cho phát. Với chúng tôi, những phóng viên tác nghiệp báo chí, những sai sót ấy là không thể, là rất tắc trách. Có những thời điểm, có những lỗi sai không được phép làm lại. Chúng tôi càng ý thức hơn trách nhiệm xã hội của mình cũng như cần phải trau dồi nghiêm khắc kỹ năng nghề nghiệp của chính mình.

Truyền hình có sản phầm là ý chí, là kết quả của tập thể. Sản phẩm ấy cũng là kết quả của sự sáng tạo, sự sáng tạo nghiêm túc bằng tinh thần, trách nhiệm của mỗi người làm báo. Chúng tôi luôn ý thức: nghề báo là nghề tiệm cận gần nhất với sự tiến bộ. Những giá trị của sự tiến bộ được đem đến, lan tỏa tới cộng đồng, tới nhân dân phải bắt đầu từ sự ý thức nghiêm túc, trách nhiệm cũng như kỹ năng, bản lĩnh nghề nghiệp. Con đường ấy còn rất dài, nhưng với tất cả tình cảm và nhận thức của bản thân, tôi tin mình không chọn lầm nghề: một nghề mà tôi luôn trân quý khi bước chân vào: nghề báo vinh quang.

Nguyễn Hường

 

Các tin khác:
  • Để có những mùa « quả ngọt » (28/06/2018-8:20)
  • Nguyễn Hồng Vinh: Mãi là người “giữ lửa”! (26/06/2018-10:55)
  • Nguyễn Uyển - Nhà báo cần cù và cẩn trọng (26/06/2018-10:53)
  • Nhà báo Mỹ Trà: Dành trọn tình yêu cho biển đảo (26/06/2018-11:50)
  • Báo chí Thanh Hóa cần làm tốt hơn nữa vai trò định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội (25/06/2018-10:35)
  • Bàn về đạo đức người làm báo thời cách mạng công nghiệp 4.0 (22/06/2018-9:27)
  • Chắt lọc tinh túy của báo chí, tôn vinh cống hiến của nhà báo - Trăn trở và mong đợi (20/06/2018-8:25)
  • Quyết liệt… cần nhưng chưa đủ (20/06/2018-8:22)
  • Không ngừng trau dồi nghiệp vụ, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí (19/06/2018-15:08)
  • Đạo đức người làm báo thời cách mạng 4.0: Nhận diện hành vi vi phạm (19/06/2018-15:06)