Thứ bảy, ngày 11/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhấp chén trà xuân ngẫm 'nghề cầm bút' (11/02/2019-9:02)
    Nhấp chén trà xuân ngẫm 'nghề cầm bút' Trong không khí ấm áp của mùa xuân khiến con người ta có cảm giác thật yên bình, khi mọi lo toan cuộc sống tạm thời gác lại nơi ồn ào náo nhiệt và xô bồ để trở về sum họp với gia đình. Tay nâng chén trà trong không gian tĩnh lặng đã cho tôi bao cảm giác bồi hồi xúc động khi nghĩ về 'nghề'…
Tác giả (trái) nhận giải Ba Báo chí về đồng bằng sông Cửu Long năm 2018.

Báo chí - hơi thở của cuộc sống

Nghề bút đến đã đến với tôi như một duyên nợ. Tôi bắt đầu được biết đến nhuận bút từ khi còn là cậu học sinh lớp 7. Từ đó đến nay, qua bao thăng trầm của cuộc sống, thăng trầm của nghề… Tôi không sao quên được những kỷ niệm ngọt ngào với những con người đã từng dìu dắt tôi qua những bước đi đầy áp lực. Giờ đây là những đồng nghiệp, những người anh, người chị, cấp trên… đã và đang đồng hành với tôi trải qua những khó khăn áp lực của "nghề".

Có những lúc tôi mang cái cảm giác băn khoăn khó tả. Nhưng với tôi lúc này, "nghề bút" dường như đã trở thành một phần máu thịt trong cuộc sống với cảm xúc đầy tự hào xen lẫn trách nhiệm. Báo chí đã khẳng định vai trò và sứ mệnh cao cả của mình, báo chí đã trở thành một phần của cuộc sống, nó giống như một thứ "cơm ăn", "thức uống", một môi trường để công chúng muốn được sống như nhu cầu hít thở không khí hàng ngày. Cái môi trường không khí đó có mang lại cho công chúng cảm giác được thư thái, được hít thở "không khí trong lành" hay không? Một phần quan trọng phụ thuộc vào vai trò của những nhà báo - những người đang hàng ngày, hàng giờ tạo ra thứ "không khí đặc biệt" ấy.

Nghĩ đến đây, cảm giác đau nhói trong tôi xuất hiện, do thời gian vừa qua xuất hiện nhiều trường hợp nhà báo, phóng viên, người làm báo… bị bắt bởi hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Buồn thay là trong đó có cả những người mà tôi đã từng gặp để trò chuyện về "nghề", có cả những người bạn, người em mà tôi với họ đã thân nhau từ khi họ còn đang là sinh viên khoa báo. Nhưng họ đã buông tay để thả chính họ vào vòng lao lý, cũng bởi sự ảo tưởng sức mạnh, khiến họ bị “ngộ độc quyền lực”, núp dưới danh nghĩa báo chí để cưỡng đoạt tài sản...

Đã có nhiều bài báo, nhiều hội thảo khoa học nhắc đến câu chuyện phóng viên, nhà báo lợi dụng danh nghĩa báo chí để câu kết đánh hội đồng doanh nghiệp, hoặc tổ chức gây áp lực để cưỡng đoạt tài sản của nhiều cá nhân, tổ chức thậm chí có cả hiện tượng lợi dụng uy tín nhà báo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Tất cả những trường hợp đó có thể được "cắt nghĩa" trong một cụm từ: "Ngộ độc quyền lực" .

Nhà báo và hiện tượng "ngộ độc quyền lực"

Tại Hội nghị đánh giá công tác báo chí năm 2017 - triển khai nhiệm vụ năm 2018 tại TP.HCM sáng 26/12/2017, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã phát biểu: “Nhiều người mang thẻ nhà báo ảo tưởng về quyền lực và vị trí báo chí cho nên câu kết nhóm đi đánh hội đồng, vòi vĩnh, làm tiền… không chỉ doanh nghiệp và cả quan chức tại địa phương”.

Thiết nghĩ, việc "chữa trị" cho căn bệnh "ngộ độc quyền lực” trong một bộ phận người làm báo, cần sự vào cuộc quyết liệt của không chỉ các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực báo chí, các cơ quan báo chí, mà còn phải có nhận thức sâu sắc của bản thân các phóng viên, nhà báo - những con người luôn có nguy cơ "bị nhiễm độc", bởi không thể có một "loại thuốc" hay "một liệu trình chữa trị" nào có hiệu quả khi bản thân "người bệnh" không có ý thức cần được chữa trị hay có tâm lý "phòng bệnh còn hơn chữa bệnh".

PGS-TS Nguyễn Thành Lợi - TBT Tạp chí Người làm báo: “Tạo động lực cho phóng viên, nhà báo được phát huy tối đa năng lực, sáng tạo những tác phẩm báo chí chất lượng phục vụ công chúng… là một trong những mục tiêu vô cùng quan trọng của lãnh đạo cơ quan báo chí”.

Bên cạnh đó, vai trò của lãnh đạo các cơ quan báo chí - những người đang hàng ngày định hướng và quản lý công việc của các phóng viên, nhà báo cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa sai phạm của mỗi phóng viên, nhà báo. Hơn ai hết, lãnh đạo các cơ quan báo chí là người dẫn đường chỉ lối, là người giáo dục thường xuyên về đạo đức, trách nhiệm của phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp thường xuyên. Việc tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh và tạo động lực tốt đẹp cho mỗi phóng viên, nhà báo tại mỗi tòa soạn là một trong những nhân tố quyết định góp phần xây dựng môi trường báo chí trong sạch và phát triển bền vững.

Rất nhiều đồng nghiệp trong những lúc "trà dư tửu hậu" chia sẻ, có những bài viết của họ chỉ mang tính chất "làm cho có" bởi họ thiếu động lực làm việc mang tính nghề nghiệp, thiếu sự động viên khích lệ kịp thời của lãnh đạo cơ quan báo chí hoặc do bản thân nội bộ tòa soạn không có được môi trường cạnh tranh lành mạnh về “nghề”, khiến niềm tin và khát khao cống hiến của các phóng viên, nhà báo đang hàng ngày, hàng giờ bị xói mòn. Từ đó, dần dần họ không còn tâm huyết để chuyên tâm với nghề và nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình với cộng đồng xã hội dẫn đến cảm giác tiêu cực, dễ sa ngã vào những cám dỗ tầm thường do chính môi trường làm báo mang lại.

Sau những cảm xúc dâng trào khi "ngẫm về nghề bút" cùng những chia sẻ tâm huyết của những đồng nghiệp, những đồng chí lãnh đạo cơ quan nghiệp vụ báo chí và cơ quan kiểm tra đạo đức, nghiệp vụ người làm báo, bất chợt trong tôi có một cảm giác bồi hồi khó tả khi nhận ra rằng cái "nghiệp cầm bút" mà mình đang theo đuổi nó thật sự cao cả và ý nghĩa vô cùng.

Nhưng bên cạnh sự cao cả, tự hào đó cũng là những trách nhiệm vô cùng nặng nề về nhận thức và hành vi của mình trong một môi trường làm việc đầy áp lực và cám dỗ. Nếu không vững vàng về tâm lý, không bản lĩnh trong nghề nghiệp, không có tâm hồn hướng thiện mạnh mẽ thì chỉ một giây phút nông nổi, thiếu suy nghĩ cũng có thể "đốt cháy" tất cả những gì tốt đẹp nhất mà cái nghề vốn dĩ được xã hội hết mực tôn trọng đã mang lại cho tôi đến giờ phút này.

Theo Nguyễn Khuê/Báo PL&XH

 

Các tin khác:
  • Báo xuân và những đề tài chưa bao giờ cũ…. (31/01/2019-7:58)
  • Tìm đề tài cho báo xuân (31/01/2019-7:55)
  • "Quả đấm thép" của ảnh báo chí (29/01/2019-7:48)
  • Năm 2019 tiếp tục nỗ lực, tạo môi trường báo chí phát triển lành mạnh (19/01/2019-16:31)
  • Một sự chuyển dịch không thể khác được (17/01/2019-5:03)
  • Ảnh báo chí phải có nội dung, khơi gợi cảm xúc (16/01/2019-10:46)
  • Nhà báo có phong cách chính là một thứ tài sản của tòa soạn (16/01/2019-10:44)
  • Phải đổi mới và đổi mới liên tục, đó là điều cốt lõi trong truyền hình hiện đại (16/01/2019-10:42)
  • Báo chí thời số hóa - thách thức báo chí địa phương (14/01/2019-12:10)
  • Nữ nhà báo áo lính và "'túi kinh nghiệm" về nghề (10/01/2019-11:23)