Thứ năm, ngày 02/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Hướng đến những thông tin có ích, tạo ra những năng lượng tích cực (11/09/2016-11:44)
    Trong khi nhiều báo in số lượng trên 10.000 bản/kỳ còn chật vật thì Ngày nay - tờ báo miễn phí duy nhất ở Việt Nam ra mắt từ ngày 1/11/2015 lại được xem là “Hiện tượng” mới trong làng báo chí Việt Nam với lượng phát hành lên tới 12.000 bản/ kỳ, có số lên đến 40.000 bản/ kỳ.

Nhà báo Nguyễn Hùng Sơn

Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Hùng Sơn - Phó TBT Báo Ngày nay - để hiểu rõ hơn về “hậu trường làm báo” tại tờ báo đang có sức lan tỏa này.

Phải cung cấp những điều độc giả cần

+ Ngày nay đề cập nhiều vấn đề nhân văn, vì cộng đồng, đặc biệt chú ý đến tầng lớp cần lao- bình dân, không có điều kiện tiếp xúc với internet… Một tờ báo khác biệt đã đành, lại chú ý đến những đối tượng độc giả không hẳn có lợi thế cho quảng cáo. Do đâu Ngày nay lại chủ tâm “nhắm” tới đối tượng bạn đọc này? Phải chăng từ mong muốn tạo cho những độc giả không có cơ hội tiếp cận thông tin, giúp nâng cao dân trí?

– Đúng là như vậy. Thực ra chúng tôi cũng băn khoăn nhiều trước khi cho ra đời tờ báo Ngày nay miễn phí. Bởi lẽ, báo điện tử hiện tại cũng miễn phí. Thông tin cũng rất phong phú, đa dạng. Nhưng chúng tôi vẫn tiến hành ra báo. Bởi lẽ, chúng tôi biết, hiện tại có nhiều người dân không có điều kiện tiếp xúc với báo chí. Họ không có thiết bị cầm tay có thể truy cập Internet, họ không có mạng, họ không rành về công nghệ… Số lượng người như vậy, chúng tôi cho là rất lớn. Thêm nữa, tiếp cận thông tin, theo cách hiểu của chúng tôi, là tiếp cận với những thông tin chính xác, sâu sắc nhưng phải có tính định hướng, tính nhân văn. Tức là những thông tin hướng con người đến cái Thiện.

+ Tôi thích cách định hướng cũng như tư duy về tờ báo của anh: Không quá khích, chủ trương không nói ra điều xấu, mà chú trọng hơn ở những mặt tốt, chia sẻ, giúp đỡ…

– Thực ra như tôi đã nói ở trên, một bộ phận độc giả đang thiếu thông tin. Nhưng cái họ thiếu là những thông tin về những điều tốt, những cái hay trong cuộc sống. Và họ đang thừa tin pháp luật (nói một cách văn hoa chứ độc giả vẫn gọi là tin Cướp – Giết – Hiếp đấy. Và chúng tôi luôn nghĩ rằng, mình phải cung cấp những điều độc giả cần. Hơn nữa, hướng họ đến những thông tin có ích, tạo ra những năng lượng tích cực.

Nhưng không phải như vậy mà chúng tôi né tránh những việc xấu trong xã hội. Trong số 33, phát hành ngày 16-6, độc giả có thể thấy Ngày nay “xung trận” ở những vấn đề cực nóng trong xã hội: Cá nhiễm Phenol, và những sự khó hiểu trong bổ nhiệm tại Bộ Công thương… Không chỉ miêu tả sự việc, chúng tôi muốn độc giả nhìn ra được những điều ẩn sau sự kiện “lạ” này.

“Điểm nhấn”: “Tổ Ngàn like”

+ Gần một năm kể từ ngày xuất bản số đầu tiên, Ngày nay dường như đã khiến rất nhiều cây bút hào hứng muốn được  “góp mặt”?

– Xây dựng tờ báo miễn phí điều đầu tiên tính đến là giảm kinh phí. Một tờ báo ra hằng tuần thì cũng ngốn khá nhiều nhân sự. Ngoài ra chúng tôi còn làm nhiều công tác khác do cơ quan chủ quản nêu. Do vậy tôi đã huy động và được sự ủng hộ của những người bạn, nhiều người trong số đó tham gia một Group trên mạng với tên gọi “Tổ Ngàn like”. Tổ Ngàn like thực ra không muốn nhắm đến một con số cụ thể mà đó là tập hợp của những Fber có ảnh hưởng như Mượt, Cu Trí, Đức Hoàng, Gia Hiền, Ngô Nguyệt Hữu, Dương Tiêu… Họ đều là những cây bút sắc sảo. Những cây bút đó đều muốn xuất hiện trên tờ Ngày nay. Những bài viết của họ lần lượt là những bài đinh trên các số báo Ngày nay. Có thể họ cảm nhận được mục đích tốt đẹp của chúng tôi. Có thể họ mong muốn đưa những nội dung tốt đến tận tay độc giả. Không phải chỉ Tổ Ngàn like mà nhiều cây bút, nhiều CTV cũng tìm đến Ngày nay.

son-ngay-nay

Tờ báo gắn nhiều chữ không…

+ Dường như anh đang thực hiện một tờ báo như mơ với quá nhiều chữ không: Không có nhiều nhân viên, chỉ toàn CTV, không bán báo, không lá cải, (hình như không trụ sở chính thức) không nhiều kinh phí dự trù và nhất là không những bài đánh đấm “ăn tiền”…?

– Ngày nay có một bộ máy tương đối hoàn chỉnh, có trụ sở, có nhân lực. Tuy nhiên, chúng tôi bị “xé” ra cho nhiều công việc khác nhau (cùng là thông tin tuyên truyền) do cơ quan chủ quản giao cho. Thực hiện những số báo miễn phí, chúng tôi chủ yếu sử dụng CTV, hoạt động chủ yếu là trên mạng: Họp bàn đề tài online, giao đề tài online, gửi bài qua mail, trao đổi bài vở qua chat… Công nghệ đã giúp chúng tôi rất nhiều để từ nhiều “không” trở thành nhiều “có”: Có cây bút, có độc giả. Tất nhiên đến bây giờ, mơ ước “Có nhiều kinh phí” để in thêm nhiều báo phát không vẫn đang trên con đường thành hiện thực.

+ Anh trả lời trên một tờ báo: “Bản thân tôi không cho rằng nội dung “lá cải” sẽ thu hút quảng cáo nhiều hơn tờ báo có nội dung nghiêm túc, bởi báo miễn phí không bị sức ép phải đăng tin cướp-giết-hiếp, giật gân để bán báo. Nếu không bị sức ép đó thì bất kỳ người làm báo nào cũng muốn nội dung tờ báo của mình nghiêm túc sạch sẽ, chúng tôi cũng vậy.” Anh đã nghiên cứu mô hình này nhiều năm, điều gì làm anh tin các anh sẽ thu hút được kinh phí để thực hiện câu chuyện báo chí này?

– Tôi không phải người được đào tạo báo chí. Tôi làm báo từ một sự tình cờ run rủi. Sau đó tôi nghiên cứu khá kỹ về truyền thông cũng như báo chí quốc tế nhất là báo miễn phí. Ở nước ngoài, chúng tôi học từ đó và báo miễn phí rất phát triển.

Làm báo miễn phí: Chúng tôi cắt giảm tối đa chi phí

+ Kinh phí như anh nói, không có nguồn “khổng lồ” nhưng lại phải chuẩn bị hàng tuần ra tờ báo ấn tượng, thu hút cây bút xuất sắc, sự chú ý của bạn đọc và nhà quảng cáo. Gần 1 năm qua, có khi nào các anh phải “lao đao” vì tiền không?

– Lao đao thì chưa. Nhưng cũng khá mệt mỏi. Người ít nên một người phải làm nhiều công việc nên đôi lúc bị “tắc”. Ví như có lúc chậm nhuận bút… Cũng may là các CTV của chúng tôi rất thông cảm. Hiện tại chúng tôi đang phải “thắt lưng buộc bụng”. Làm báo miễn phí buộc phải vậy. Chúng tôi buộc phải cắt giảm tối đa những khoản chi chưa thực sự cần thiết, tối ưu hóa nhân sự, quy trình làm việc. Chúng tôi “xã hội hóa” bằng cách kêu gọi những cây bút, những nhà báo vững tay nghề tham gia với chúng tôi.

Ngày nay có những định hướng rất dài

+ Thời buổi truyền thông đan xen nhiều luồng sáng tối hiện nay khiến nhiều người không tin làm báo nghiêm túc dễ thành công. Trong khi đó Ngày nay chủ trương tờ báo nghiêm túc, không đi theo hướng “lá cải” hóa báo chí?

– Thực ra chúng tôi có những định hướng rất dài. Nhưng xin phép chưa được trả lời ở đây. Mọi chuyện còn đang ở phía trước. Khó khăn là đương nhiên nhưng tôi nghĩ chúng tôi đang đi đúng đường. Việc làm tờ báo nghiêm túc cũng là đúng hướng khi hiện nay có nhiều doanh nghiệp tiếp cận với chúng tôi để cùng “đi chung” trên con đường này. Đi cùng chúng tôi, họ sẽ không phải suy nghĩ gì.

+ Vậy cách anh chứng minh cho các nhà bỏ tiền ra tài trợ là gì? Họ được nhận gì khi bỏ tiền cho Ngày nay?

– Tờ Ngày nay với việc phát hành miễn phí đã nói lên tất cả. Nếu chúng tôi phát hành 1,5 vạn tờ báo. Thì chắc chắn có 1,5 vạn độc giả được cầm tận tay tờ báo đó. Và những thông tin trên tờ báo sẽ được truyền tải ít nhất đến 1,5 vạn độc giả. Như bạn biết thì ngoài người nhận báo, họ còn có người thân, bạn bè để chia sẻ thông tin trên báo. Còn các nhà tài trợ, khi đầu tư vào Ngày nay thì khoản tiền đó phần lớn sẽ được chuyển thành báo để mang đi phát. VD: Họ đầu tư X tiền thì chúng tôi sẽ in thêm Y số báo và phát đến tay độc giả. Càng nhiều nhà đầu tư thì sẽ càng nhiều báo được phát miễn phí. Thông tin càng lan tỏa. Và cả nhà đầu tư, cơ quan báo chí và độc giả đều có lợi.

Theo Hằng Nga/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Những cách làm… (06/09/2016-15:18)
  • Đi tìm đề tài cho phóng sự (06/09/2016-11:12)
  • Phỏng vấn luôn là thể loại hấp dẫn (05/09/2016-16:13)
  • "Đã gặp khó quên..." (03/09/2016-15:43)
  • Trăn trở nghiệp báo (31/08/2016-21:55)
  • Báo chí và những “chuyện tử tế” (30/08/2016-21:45)
  • Làm báo thời cạnh tranh thông tin (30/08/2016-10:39)
  • Nước mắt người nghèo và trách nhiệm của nhà báo (27/08/2016-21:15)
  • Nhà báo phải biết tự bảo vệ mình trong tác nghiệp (26/08/2016-10:42)
  • Hành trình khám phá dòng sông Chu trên đất Lào (26/08/2016-10:21)