Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Mùa khoa bảng và sự chạnh lòng (22/07/2017-15:44)
    (NLBTH) - Một mùa thi đại học nữa đã kết thúc, và cũng như nhiều năm học trước, thành phố Thanh Hóa không có học sinh đạt điểm số tối đa ở cả 3 môn thi. Một thực tế khiến chúng ta phải ngẫm nghĩ.

Hình ảnh chỉ có tính minh họa

Tháng 7, đang kỳ nghỉ hè, là dịp để học sinh xả hơi, nhưng nhiều tuyến đường ở thành phố Thanh Hóa phụ huynh đã tấp nập đưa, đón con đi học thêm, trong đó có cả những em năm học tới mới bắt đầu vào lớp 1. Trong khi đó, ở nhiều vùng nông thôn, Ngành giáo dục vừa đón nhận tin vui về những thí sinh đạt số điểm tuyệt đối 30/30, đáng nói hơn có em là con nhà nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Những năm trước, mỗi kỳ thi đại học Thanh Hóa có gần chục thí sinh đạt điểm số 30/30, và đều ở nông thôn. Dường như có nghịch lý đang diễn ra trong phương pháp giáo dục. Ở nơi điều kiện vật chất khá hơn, đi học thêm nhiều, thì sự đỗ đạt cao càng ít, và ngược lại.

Chỉ nội chuyện thi tuyển sinh đầu vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn nhiều năm nay, học sinh có điểm cao ở một số môn chuyên đều đến từ huyện nghèo. Học sinh đạt thủ khoa chuyên Toán năm nay cũng đến từ một xã nghèo vùng chiễm trũng của huyện Nông Cống. 

Mùa tựu trường năm trước, bạn tôi bảo phải về quê liên tục để mừng con bạn, rồi cháu trong họ đi học đại học, đứa nào cũng điểm cao, vào trường tốt. Thế mà cơ quan anh hơn 10 cán bộ có con đi thi, nhưng đậu không nổi phần ba. Rồi anh kể tên, toàn người tôi biết cả. Đó là những gia đình kinh tế khá giả, bởi thế việc học của con họ được đầu tư khá tốt. Có người còn mời thầy có tiếng dạy kèm với chi phí cỡ 500.000 đồng một buổi, thậm chí nhiều hơn. Tiền chi cho việc học nhiều người không tiếc. Công sức đưa, đón con cũng không tiếc, nhưng điểm số của học sinh ở thành phố vẫn không bằng ở nông thôn. Phải chăng học sinh ở nông thôn hơn về ý chí, thấm được sự nghèo khó, vất vả để vươn lên chăng? Về điều đó thì học sinh thành phố cần lĩnh hội, phải tôi luyện, nhà trường truyền dạy, phụ huynh giáo dục, chứ không nhất thiết chỉ là sự “nhồi nhét” về văn hóa một cách cơ học.

Tôi từng chờ đón con giống như nhiều phụ huynh khác, những đứa trẻ vừa ra khỏi lớp bố mẹ phải để chúng ngồi trên xe dùng luôn bữa chiều trên đường đi học ca tiếp theo, nhưng rồi ở những kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thi vào trường chuyên, thành tích của chúng vẫn không như mong muốn.

Thêm một mùa khoa bảng, lại thêm sự chạnh lòng.

Lam Vũ


 

 

 

Các tin khác:
  • Cần chữa căn bệnh chủ quan (21/07/2017-7:52)
  • Lối sống và nỗi niềm ngôn ngữ (18/07/2017-9:53)
  • Trước tiên cần “thông tắc” ý thức (17/07/2017-7:40)
  • Góc khuất du lịch và vấn đề tăng trưởng (14/07/2017-8:47)
  • Đồng tiền và lòng tự trọng (11/07/2017-8:58)
  • Đơn giản thực chất (09/07/2017-20:27)
  • Sự lãng phí, hoài nghi và yêu cầu đặt ra (07/07/2017-7:53)
  • Tư duy du lịch nhìn từ nhà vệ sinh công cộng (03/07/2017-12:19)
  • Xây dựng “pháo đài” gia đình từ những bữa cơm thường nhật ấm áp yêu thương (27/06/2017-8:46)
  • Của cho cũng cần văn hóa (24/06/2017-21:18)