Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Xây dựng thôn, bản nông thôn mới ở miền núi: Khi “ý đảng hợp lòng dân” (25/09/2017-8:59)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng
Một góc bản Poọng, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa).
 
Nếu xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở các địa phương miền xuôi vốn đã nhiều khó khăn, thì XDNTM ở khu vực miền núi còn trở lực bội phần, bởi xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp. Song với cách làm sáng tạo, cùng với vai trò lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều thôn, bản ở miền núi xứ Thanh đã “thay da đổi thịt”.

“Cái khó, ló cái khôn”

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi và 26 xã miền núi thuộc 7 huyện giáp ranh; trong đó có 223 xã, thị trấn với 2.208 thôn, bản. Ngoài đặc điểm địa hình rộng, bị chia cắt bởi sông suối, thì hầu hết các huyện miền núi có xuất phát điểm thấp về kinh tế - xã hội. Đây là những trở lực mà các huyện cần phải vượt qua để thực hiện Chương trình XDNTM. Với Chương trình XDNTM ở miền núi, tỉnh Thanh Hóa đã có những cách làm linh hoạt, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn ở mỗi địa phương, bằng việc xây dựng thôn, bản NTM. Sau khi khảo sát thực tế, tháng 5-2013, Ban Chỉ đạo Chương trình XDNTM tỉnh đã chọn 3 bản Tôm, xã Ban Công (Bá Thước), Poọng, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa), Hậu, xã Tam Lư (Quan Sơn) để làm điểm XDNTM. Để có cơ sở cho các địa phương thực hiện, tỉnh đã có Quyết định số 717/2014/QĐ-UBND ngày 17-3-2014 về ban hành tiêu chí, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và tổ chức công bố thôn, bản đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh (từ tháng 5-2017 được thay thế bằng Quyết định 2392/QĐ-UBND về quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố “thôn, bản đạt chuẩn NTM” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020). Với sự lãnh, chỉ đạo, sâu sát của các cấp ủy, chính quyền, sự gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương của mỗi cán bộ, đảng viên, cũng như sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân, các mô hình bản NTM đầu tiên đã thành công.

Bản Tôm, xã Ban Công (Bá Thước) - bản đạt chuẩn NTM đầu tiên ở khu vực miền núi xứ Thanh. Là bản vùng cao, với phần lớn người dân là đồng bào Thái, nguồn thu nhập chính trông vào sản xuất nông nghiệp. Xuất phát điểm thấp nên điều kiện cơ sở hạ tầng của bản đều thiếu thốn. Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến xã và bản đã phải xuống từng hộ dân để “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dân làm những công việc tưởng chừng như rất đơn giản, như: Làm tường rào, chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh. Trong việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng với nguồn lực kích cầu 90 tấn xi măng của huyện Bá Thước, bản Tôm đã vận động người dân hiến đất, đóng góp ngày công, vật liệu và tiền mặt để làm 1,9 km đường bê tông nội bản; 200 m đường trục chính nội đồng; xây mới 2 cổng chào, hệ thống cống rãnh. Sau 2 năm triển khai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của mỗi người dân đầu năm 2014, bản Tôm đã cán đích NTM.

Phong trào lan nhanh, tỏa rộng

Sau bản Tôm, những cái tên như: Bản Sáng, xã Quang Chiểu (Mường Lát), bản Poọng, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) hay bản Hậu, xã Tam Lư (Quan Sơn)... cũng đã lần lượt cán đích NTM. Giống như nhiều xã vùng cao khác trong huyện Quan Sơn, Sơn Điện có xuất phát điểm về kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục đời sống của người dân còn thiếu thốn. Toàn xã có 11 bản, trong đó có 2 bản Sủa, Na Phường bị cách lế với trung tâm xã bởi con sông Luồng; bản Sa Mang thì chưa có điện lưới quốc gia. Giao thông về các bản chủ yếu là đường đất, vào mùa mưa nhân dân không thể đi lại được. Những khó khăn ấy, không khác nào trở lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là việc thực hiện Chương trình XDNTM ở các bản. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lương Văn Khánh, bí thư đảng ủy xã, cho biết: “Xác định XDNTM như cuộc “cách mạng” vừa làm thay đổi diện mạo nông thôn mỗi bản, làng vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc trên địa bàn xã, Đảng ủy xã Sơn Điện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về XDNTM. Bằng các giải pháp thiết thực trên cơ sở lựa chọn các bản có điều kiện để tập trung chỉ đạo thực hiện làm điểm. Đồng thời, thành lập các tiểu ban XDNTM ở các bản do chi bộ lãnh đạo, nhân dân làm chủ thể trong việc bàn bạc, thống nhất lựa chọn các tiêu chí để thực hiện và giám sát. Đặc biệt, đảng ủy xã thực hiện phân công cho các ủy viên phụ trách các bản được lựa chọn để cùng cấp ủy và nhân dân bàn cách thức tổ chức thực hiện các tiêu chí NTM”.

Với phương châm “không nóng vội, không chạy theo thành tích”, xã đã lựa chọn bản Ngàm, bản Nhài để triển khai làm thí điểm NTM, rồi lần lượt đến các bản khó khăn hơn như: Na Hồ, Tân Sơn, Na Lộc. Một yếu tố quan trọng khác là các cấp ủy đảng trong xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai sâu rộng nghị quyết về XDNTM đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bên cạnh đó, đảng ủy xã đã giao nhiệm vụ cho từng đoàn thể trong việc đẩy mạnh các phong trào thi đua XDNTM như: Hội phụ nữ với phong trào “5 không, 3 sạch”, phụ nữ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phụ nữ với việc bảo vệ môi trường, sạch đường, sạch ngõ; đoàn thanh niên với phong trào tình nguyện làm đường giao thông; hội người cao tuổi với phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”... Với sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống, cũng như để người dân hiểu đúng, hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của việc XDNTM. Trong đó, việc phát huy tính dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò chủ thể của mỗi người dân và xóa bỏ tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” xem  XDNTM là của Nhà nước, là bước đi thành công ở Sơn Điện.

Bản Ngàm - bản NTM của xã, nơi có hơn 90% đồng bào dân tộc Thái, lại cách lế với trung tâm xã, khó khăn đủ bề. Song vượt lên những trở lực, cấp ủy bản Ngàm đã có nhiều cách làm sáng tạo để tạo được sự đồng thuận của người dân trong XDNTM.  Dựa vào nguồn tài nguyên nứa, vầu nên thu nhập của người dân trong bản tương đối cao so với mặt bằng chung của khu vực miền núi, khoảng 21 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, nếu có đường giao thông kết nối từ Quốc lộ 217 vào bản, chắc chắn thu nhập của người dân sẽ còn cao hơn nữa. Đồng chí Lương Văn Duẩn, bí thư chi bộ, trưởng bản Ngàm chia sẻ: “Năm 2004, khi Nhà nước giao đất, giao rừng, ban lãnh đạo bản đã vận động các hộ trích một phần diện tích rừng lại để làm tài sản chung. Mỗi khi bản có việc, các hộ dân đóng góp ngày công vào rừng cộng đồng khai thác nguồn lâm sản phụ là nứa, vầu để lấy kinh phí thực hiện. Con đường bê tông 2 km chạy dài khắp bản được làm với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng, trong đó hơn 80% từ nguồn nứa, vầu của rừng cộng đồng đấy!”. Từ “con đường ý đảng, lòng dân”, chi bộ bản Ngàm tiếp tục vận động các hộ làm nhà vệ sinh tự hoại đúng tiêu chuẩn và đóng góp 1 tỷ đồng xây dựng 72 bể nước sạch hộ gia đình, sân chơi thể thao, hệ thống cống rãnh thoát nước... Kết quả, năm 2015, bản Ngàm được công nhận bản đạt chuẩn NTM.

Theo thống kê, đến cuối năm 2016, huyện Quan Sơn có 8 bản đạt chuẩn NTM. Năm 2017, huyện phấn đấu có thêm 6 bản đạt chuẩn NTM. Học tập và phát huy những kinh nghiệm trong XDNTM từ các bản điểm, hầu hết các bản, làng miền núi đều có những cách làm riêng, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Một điểm chung dễ nhận thấy trong xây dựng bản NTM, là cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương miền núi đều ưu tiên lựa chọn những tiêu chí dễ làm song lại phục vụ thiết thực cho công tác giảm nghèo nhanh, bền vững, góp phần hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Về thôn Hùng Tiến, xã Xuân Bình (Như Xuân) hôm nay, mới cảm nhận được diện mạo NTM đang làm bừng sáng vùng quê đặc biệt khó khăn này. Những con đường bê tông chạy đến từng ngõ xóm, vào mỗi nhà dân. Bắt tay vào XDNTM với 25% hộ nghèo, cơ sở vật chất hầu như không có gì - một câu hỏi đặt ra, tại sao một thôn còn nhiều khó khăn mà phong trào XDNTM lại lan tỏa đến từng hộ gia đình? Lời giải đáp cho câu hỏi ấy, không gì khác là cấp ủy đảng thôn Hùng Tiến đã thực hiện hiệu quả chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển các mô hình cây ăn quả, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động nhằm tăng thu nhập cho nhân dân. Để có được sự tham gia hưởng ứng của người dân, cấp ủy đã quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên, những người đứng đầu các tổ chức, đoàn thể noi gương, đi đầu trong việc cải tạo vườn nhà. Nhờ những mô hình cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả mà thu nhập của người dân thôn Hùng Tiến đã đạt 24,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4%. Ngoài ra, do phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, từ việc biết chủ trương, đến bàn cách tổ chức thực hiện và trực tiếp giám sát nên việc thực hiện các tiêu chí NTM, nhất là xây dựng các công trình phúc lợi của thôn đều rất thuận lợi. Hùng Tiến đã trở thành bản NTM vào cuối năm 2016.

Đến đầu tháng 9-2017, khu vực miền núi trong tỉnh đã có 258 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM. Những thành tích đạt được không chỉ khẳng định sự đúng đắn trong thực hiện Chương trình XDNTM ở miền núi của tỉnh Thanh Hóa, mà còn là cơ sở, động lực để các cấp ủy đảng, chính quyền mỗi địa phương miền núi phấn đấu có thêm nhiều thôn, bản NTM.

Theo Trần Thanh/Báo Thanh Hóa


 

Các tin khác:
  • Xóa bản trắng đảng viên ở đồng bào Mông Mường Lát (25/09/2017-8:56)
  • Những trưởng bản 8X nơi biên giới (25/09/2017-8:52)
  • Phát triển đảng viên vùng biển và những vấn đề đặt ra (21/09/2017-8:19)
  • Thanh Hóa xây dựng các danh hiệu kiểu mẫu (21/09/2017-8:07)
  • Khó khăn nguồn đảng viên kế cận tại các chi bộ nông thôn (21/09/2017-8:00)
  • Gió ngàn Ta Leo (21/09/2017-7:49)
  • Vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm minh (15/09/2017-8:24)
  • Thực hiện nghiêm công tác bổ nhiệm cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ trong thời kỳ mới (13/09/2017-7:59)
  • Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ - góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng (06/09/2017-14:57)
  • Qua hơn hai năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp (06/09/2017-14:53)