Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Yêu thương trong thời đại số (12/06/2020-12:14)
    (NLBTH) - Bây giờ khi nhắc đến trẻ em, những nguy cơ truyền thống như suy dinh dưỡng, thương tích, thất học… không còn quá nóng nữa.
Ảnh minh họa, từ internet

Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là cách sống còn có phần thiếu trách nhiệm trong thời đại công nghệ số núp bóng dưới danh nghĩa “sự yêu thương” của không ít người lớn đang tác động tiêu cực đến đời sống con trẻ.

Với sự phát triển như vũ bão của nền tảng công nghệ điện tử, viễn thông hiện nay, thì những nguy cơ mới phức tạp hơn cũng phát sinh từ chính môi trường này.

Tiện ích cuộc sống do người lớn tạo ra để phục vụ nhu cầu cuộc sống, nhưng nếu không kiểm soát tốt, thì cũng chính là nỗi lo cho cuộc sống, nhất là với trẻ em.

Với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay trẻ em đã trở thành công dân số từ rất sớm. Theo thống kê hiện nước ta có khoảng 68 triệu người dùng internet, trong đó gần 1/3 ở độ tuổi dưới 20.

Theo khảo sát từ đoàn giám sát của Quốc hội mới đây cho thấy cứ 4 trẻ được hỏi thì có 1 trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội.

Các mạng xã hội đang tràn ngập clip của những đối tượng bất hảo, chúng tự dàn dựng và đưa lên những hình ảnh, lời nói rất nguy hiểm, thu hút nhiều người xem, trong đó có trẻ em. Không ít em đã học và làm theo một cách vô thức, mới nhất là một nam sinh lớp 11 ở Nghệ An đã gây ra cái chết cho một bé trai 5 tuổi.

Trẻ em thích khám phá những điều mới mẻ từ công nghệ là tốt, nhưng mặt trái của sở thích này là các em còn quá non nớt, không dễ để nhận biết, phòng vệ trước thủ đoạn của kẻ xấu. Trao cho trẻ thiết bị kết nối internet nhưng không hướng dẫn cách sử dụng an toàn, thì nguy hiểm đến với trẻ chỉ là điều sớm hay muộn.

Yêu thương và sống có trách nhiệm trong thời đại công nghệ số không đồng nghĩa với việc cho trẻ tự do khám phá công nghệ để mình rảnh tay làm công việc khác. Nhiều chuyên gia tin học cho rằng, internet mang lại cơ hội học tập cho trẻ,  đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trẻ em có khả năng tự chủ và nhận định nguy cơ thấp hơn người lớn, nên mỗi gia đình cần phải có quy ước thỏa thuận về thời gian, nội dung mà con được xem.

Người lớn có trách nhiệm chính là người biết tạo ra “bức tường lửa” đối với con trẻ. Không cấm đoán, nhưng phải định hướng và giám sát.

Ở không ít phiên tòa chúng ta có thể gặp những phạm nhân mang bộ mặt non nớt. Chúng là thủ phạm trong vụ án, nhưng lại là nạn nhân của kẻ thù vô hình trên không gian mạng.

Không phải cứ đến tháng 6 việc quan tâm, chăm sóc trẻ mới được đề cập, mà bởi tháng 6 là Tháng hành động vì trẻ em - thời điểm để cả xã hội đề cao trách nhiệm vì một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ trước những nguy cơ xâm hại đang ngày một phức tạp và tinh vi hơn như công nghệ số.

Tuệ Vũ

 

Các tin khác:
  • Cần đặt thể diện lên trên lợi ích cá nhân (10/06/2020-9:43)
  • Thay đổi để hướng tới lợi ích cộng đồng (08/06/2020-10:20)
  • Dung dưỡng cho trào lưu (06/06/2020-19:24)
  • Nâng tầm trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng (05/06/2020-10:12)
  • Xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm quản lý cán bộ, đảng viên (03/06/2020-10:21)
  • Tăng cường sức mạnh bảo vệ trẻ em (01/06/2020-9:47)
  • Sự nhiệt tình quá mức (30/05/2020-15:10)
  • Lên “dây cót” trách nhiệm (28/05/2020-19:01)
  • Thích ứng nhanh để sớm vận hành ổn định (27/05/2020-10:05)
  • Lấy lại niềm tin cho việc thực thi chính sách (25/05/2020-11:13)