Thứ sáu, ngày 10/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo có duyên với vùng cao (13/02/2019-20:26)
    Thế Lượng - PV Báo Giáo dục và Thời đại thường trú tại Thanh Hóa, nguyên PV Báo Dân Việt (ảnh) là nhà báo khá thành công với các đề tài về nông thôn, miền núi. Anh từng qua nhiều rừng sâu, núi thẳm, mà có lúc tưởng không thể vượt qua. Với lòng yêu nghề, dám dấn thân, anh đã được đền đáp bằng nhiều giải thưởng báo chí, trong đó có Giải C giải báo chí Quốc gia năm 2015. Người làm báo đã có cuộc trao đổi với anh xung quanh vấn đề này.

PV: Cơ duyên nào đưa anh đến với các đề tài nông thôn, miền núi?

Nhà báo Thế Lượng: Từ khi vào nghề báo tôi được sống và làm việc trong một môi trường báo Đảng, đó là Báo Thanh Hóa. Lúc ấy cuộc sống của người dân cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng đang rất khó khăn, vất vả. Đặc biệt, đối với đồng bào các dân tộc ít người ở miền núi Thanh Hóa thì lại càng khó khăn, cơ cực hơn.

Năm 2004, lần đầu tiên tôi và nhà báo Hoàng Tuấn (hiện là Trưởng phòng Báo Điện tử, Báo Thanh Hóa) lên với bà con đồng bào huyện vùng cao, biên giới Mường Lát. Chúng tôi chở nhau bằng chiếc xe máy Win 100 từ T.P Thanh Hóa sau gần 8 giờ đồng hồ mới tới được trung tâm huyện

Tôi đã đi nhiều huyện miền núi thấp, đây là lần đầuđặt chân đến mảnh đất xa xôi này, và khá “sốc” khinhìn thấy cuộc sống của người dân nơi đây quá cơ cực. Những đứa trẻ người Mông không quần áo, da đen nhẻm, lấm lem bùn đất chơi ven đường trong lúc cha, mẹ chúng lên nương rẫy.

Ở Mường Lát lúc bấy giờ còn chưa có đường ô tô đi đến các trung tâm xã: Mường Lý, Mường Chanh, Quang Chiểu và rất ít người có xe máy, chủ yếu phải đi bộ. Đặc biệt, ở Mường Lát thời ấy chưa có sóng điện thoại như bây giờ. Nếu muốn liên lạc thì phải xếp hàng ở Bưu điện huyện để đăng ký và gọi theo đầu số 099 (qua vệ tinh) rồi mới đến số thuê bao. Nói tóm lại,Mường Lát lúc bấy giờ như một thế giới bên ngoài.

Không chỉ Mường Lát, mà hầu như tất cả các huyện miền núi trong tỉnh, đặc biệt là những huyện vùng cao, có đường biên giáp với nước bạn Lào đều khó khăn, gian khổ. Chính vì những lẽ đó, trong tâm tôi chỉ mong muốn đến được với vùng sâu, cao xa, khó khăn nhất để chuyển tải những bài viết, hình ảnh chân thực nhất trong đời sống của bà con, đồng bào các dân tộc ít người đến với bạn đọc. 

PV: Nghề báo, nếu không đam mê, xác định gắn bó sẽ rất khó để giữ được nghề. Theo anh ngoài yếu tố trên cần có thêm điều gì để có được những đề tài hay, mới, hấp dẫn bạn đọc?

Nhà báo Thế LượngNgoài việc yêu nghề, đam mê,xác định gắn bó với nghề, thì nhà báo phải có sự nhạy bén về nhiều mặt. Bởi lẽ làm báo là làm chính trị. Sựnhạy bén về chính trị là điều vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Bên cạnh đó, để có được những đề tài mới, hấp dẫn bạn đọc, thì người làm báo phải đi, đọc, biết rồi mới viết. Có đi, có đọc mới phát hiện được những đề tài mới, hay và lạ để viết thì mới hấp dẫn được bạn đọc. Vì bạn đọc là những người luôn luôn tìm thông tin mới, nhanh, chuẩn xác, trung thực, khách quan ở tác phẩm báo chí.

PV: Được biết anh đã từng gặp nạn trong những lần tác nghiệp ở vùng cao, nhưng vì sao cứ nhất thiết anh phải chọn nơi này để thực hiện?

Nhà báo Thế Lượng: Đúng là như thế. Có lần tôi đã bị dập sụn mắt cá chân, tràn dịch sụn (đến bây giờ vẫn chưa tan), 5 khớp xương đầu ngón của bàn chân phải bị bật tung, khớp trụ bàn chân cũng bị trật, khiến tôi phải chữa trị mất gần nửa năm. Có lần qua đò trên sông Mã đến với làng Bọt, làng Bèo của xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, khi đưa xe máy từ dưới đò ngang lên tấm ván bắc từ thành con đò lên bờ, tấm ván bị gãy, cả người lẫn xe rơi xuống sông, may sao tôi được người đưa đò nhảy xuống cứu giúp. Hồi tháng 9/2018 tôi cũng là người đầu tiên trong làng báo vượt dòng lũbằng 4 cây luồng qua suối Sim để đến với bà con đồng bào xã Mường Chanh, huyện Mường Lát trong lúc đang bị chia cắt với bên ngoài...  Dù vậy trong lòng tôi chưa bao giờ nản chí hay có ý định không đến với đồng bào vùng núi cao, vùng khó khăn ở miền núi. Bởi lẽ, càng ở những nơi xa xôi, khó khăn thì ở đó người dân càng rất cần được chuyển tải thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như thông tin về tiến bộ khoa học - kỹ thuậtđể họ được tiếp cận, áp dụng vào cuộc sống. 

PV: Nhiều bài báo của anh viết về đề tài nông thôn mới đã tạo được ấn tượng và đoạt giải, trong đó có Giải C Giải báo chí Quốc gia năm 2015. Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào đối với anh?

Nhà báo Thế Lượng: Đó là tác phẩm “Gánh nặng nông thôn mới”. Dù chưa phải giải cao, nhưng đối với người cầm bút còn non trẻ như tôi thì đó là một nguồn động viên, khích lệ để tiếp tục cố gắng và phấn đấu hơn nữa trong nghề.

Gánh nặng nông thôn mới” xoay quanh vấn đề người nông dân phải chịu nhiều loại phí, quỹ và đóng góp để xây dựng nông thôn mới mà do nhiều địa phương tự áp đặt, trái ngược với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. 

Một thực tế ở Thanh Hóa, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới có nhiều địa phương (chủ yếu là cấp xã) lợi dụng vào đó để chạy theo thành tích “về đích nông thôn mới” rồi đặt ra các khoản thu đối với người dân. Có những khoản thu không thuộc diện được phép, hoặc có những mức thu quá cao khiến người dân không đủ khả năng đóng góp... Thậm chí, khi đi điều tra về lĩnh vực này không chỉ riêng ở các xã vùng nông thôn đang còn khó khăn, mà ngay cả địa phương cấp xã, phường ở thành phố, thị xã cũng “lạm thu” nông thôn mới.

PV: Là người khá thành công với các đề tài nông thôn, miền núi, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với đồng nghiệp?   

Nhà báo Thế Lượng: Đề tài về nông thôn, miền núi là vô cùng rộng lớn cho người làm báo. Để có thể tìm hiểu được các đề tài về nông thôn, miền núi đối với tôi chỉ có cách phải đến với đồng bào, tìm hiểu về cuộc sống từ vật chất lẫn tinh thần, tìm hiểu về những nét văn hóa, phong tục, tập quán... của họ. Bởi lẽ là ở nơixa xôi, hẻo lánh giờ đây dù cuộc sống của người dân đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều người dân vẫn đang sống một cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Do đó, tôi có đi đến tận nơi, tìm hiểu thực tế thì mới có được những đề tài chân thực, khách quan để tạo nên tác phẩm báo chí của mình.

PV: Cảm ơn nhà báo Thế Lượng về cuộc trao đổi này.

Một số Giải thưởng tiêu biểu của nhà báo Thế Lượng

Giải C giải Báo chí Quốc gia năm 2015

Giải B giải Báo chí Trần Mai Ninh, Thanh Hóa năm 2012 và Giải C các năm 2014, 2015, 2016, 2017

Giải nhì Cuộc thi viết “Những gương sáng tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới giai đoạn 2001 - 2005” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát động.

Giải khuyến khích giải thưởng Văn học Nghệ thuật “Hào khí Điện Biên” của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2005 - 2009.

 

Nguyễn Thương (thực hiện)

 

 

Các tin khác:
  • Hành trình thực hiện ký sự “Thanh Hóa tên đất, hồn người” (13/02/2019-11:07)
  • Nhấp chén trà xuân ngẫm 'nghề cầm bút' (11/02/2019-9:02)
  • Báo xuân và những đề tài chưa bao giờ cũ…. (31/01/2019-7:58)
  • Tìm đề tài cho báo xuân (31/01/2019-7:55)
  • "Quả đấm thép" của ảnh báo chí (29/01/2019-7:48)
  • Năm 2019 tiếp tục nỗ lực, tạo môi trường báo chí phát triển lành mạnh (19/01/2019-16:31)
  • Một sự chuyển dịch không thể khác được (17/01/2019-5:03)
  • Ảnh báo chí phải có nội dung, khơi gợi cảm xúc (16/01/2019-10:46)
  • Nhà báo có phong cách chính là một thứ tài sản của tòa soạn (16/01/2019-10:44)
  • Phải đổi mới và đổi mới liên tục, đó là điều cốt lõi trong truyền hình hiện đại (16/01/2019-10:42)