Thứ sáu, ngày 03/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Chúng tôi làm phim “Nghị quyết du lịch bản” (15/02/2019-14:37)
    Phim tài liệu “Nghị quyết Du lịch bản” thực hiện từ tháng 9 đến tháng 11/2017 tại bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, được phát trên sóng của Đài PT&TH Thanh Hóa, do nhóm tác giả phòng Tiếng Dân tộc thực hiện. Phim đoạt Huy chương bạc tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 3, đoạt Giải khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia năm 2017.
Đoàn làm phim giao lưu với du khách tại bản Đôn

Từ một bản nghèo khó với 79 hộ người dân tộc Thái, bản Đôn trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn bậc nhất xứ Thanh. Từ những người nông dân chân lấm, tay bùn vốn quen với nương rẫy, ruộng vườn dần trở thành những “tuor guide” chính hiệu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Những đổi thay kỳ diệu này có được từ một nghị quyết đúng đắn, đó là Nghị quyết “Du lịch bản” của các đảng viên bản Đôn.

Phim “Nghị quyết Du lịch bản” được thể hiện bằng hai ngôn ngữ là tiếng dân tộc Thái và tiếng phổ thông.

Thời điểm xảy ra đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 10 đến 13/10/2017 là lúc đoàn làm phim chúng tôi đang tác nghiệp tại bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước. Chúng tôi đã bị cô lập trong 2 ngày và sau đó quyết định thuê người chở bằng xe máy ra trung tâm huyện để chờ người lên giải cứu.

Theo kế hoạch đoàn chúng tôi có 3 ngày (9/10 đến 11/10) để ghi hình theo kịch bản đã được Ban biên tập duyệt trước. Ngày đầu tiên mọi việc dường như rất suôn sẻ, trước khi có buổi ghi hình đầu tiên này, chúng tôi đã có chuyến công tác tìm hiểu về nhân vật, bố trí cảnh quay và công tác hậu cần.

Vì là bản du lịch cộng đồng, cho nên, chúng tôi cũng xác định là tác nghiệp với vai trò như một du khách trải nghiệm và chi trả tất cả các khoản chi phí sinh hoạt, ăn nghỉ cho người dân như những du khách khác về với bản. Đoàn làm phim chúng tôi có 8 người ở chung trên ngôi nhà sàn của anh Hà Văn Thiệp - Bí thư chi bộ bản Đôn với chi phí 200 ngàn đồng/người/ngày đêm (bao gồm cả 3 bữa ăn theo nhu cầu). Theo chúng tôi giá dịch vụ như vậy cũng khá rẻ. Có lẽ đây cũng là lý do nhiều công ty lữ hành đã lựa chọn đưa khách về bản Đôn.

Những ấn tượng ban đầu của chúng tôi là: Bản Đôn có phong cảnh nên thơ, trữ tình, khí hậu nơi đây mát mẻ quanh năm, bốn bề là ruộng bậc thang trải dài dưới chân núi Pù Luông đẹp như tranh vẽ; 100% các hộ dân còn giữ được nhà sàn truyền thống và các món ăn độc đáo của dân tộc Thái, người dân thật thà, thân thiện và mến khách… Bản Đôn còn là điểm kết nối tuyến du lịch từ Hòa Bình, Hà Nội và ngược lại.

Cảnh quay đầu tiên được bố trí tại không gian bungalow (nhà sàn bằng gỗ dùng để làm nơi lưu trú) của gia đình chị Cao Thị Lý. Đây là một trong những hộ đảng viên đầu tiên tiên phong làm cuộc “cách mạng” phát triển du lịch ở bản Đôn. Đến nay mỗi năm gia đình chị có thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng từ dịch vụ du lịch cộng đồng. Gia đình chị Lý đã tạo mọi điều kiện để chúng tôi tác nghiệp. Chị Cao Thị Lý tâm sự: “Những ngày đầu tiên bắt tay vào làm du lịch cái gì cũng thiếu. Thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất hạ tầng, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng… Vừa làm vừa học hỏi và được sự hợp tác của các đơn vị tổ chức dịch vụ du lịch cộng đồng nên khó khăn cũng được tháo gỡ. Mình là người tiên phong nên cái gì cũng vất vả. Bây giờ thì tốt rồi. Mỗi năm, gia đình tôi cũng đón được hàng trăm khách du lịch quốc tế, thu nhập khá hơn nhiều so với việc làm nương rẫy”.

Các thành viên đoàn làm phim
 
Gia đình thứ hai chúng tôi ghi hình là gia đình ông Hà Ngọc Bàn. Ông Bàn trước khi nghỉ hưu là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thành Lâm. Ông cũng là một trong những người rất ủng hộ chủ trương phát triển bản Đôn thành bản du lịch cộng đồng và xây dựng nông thôn mới. Theo ông Bàn, chỉ sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết du lịch mà bản Đôn đã thực sự đổi thay, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, đẹp đẽ hơn, ý thức giữ gìn bản sắc của dân bản được nâng lên… Quan trọng hơn, thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt, môi trường sinh thái và tài nguyên rừng cũng được bảo vệ tốt hơn.

Để truyền tải được thông điệp của phim và có được những hình ảnh đẹp nhất, phù hợp nhất, chúng tôi đã sử dụng rất nhiều thiết bị khác nhau để ghi hình. Ngoài hai máy camera chuyên dụng, chúng tôi còn sử dụng thêm các thiết bị khác như: flycam (quay trên không), máy ảnh kèm ray, tripod, micro không dây…

Tối ngày hôm đó, đoàn chúng tôi thực sự may mắn khi có một đoàn du khách gồm 6 người đến từ Hoa Kỳ lưu trú tại gia đình anh Hà Văn Thiệp. Ngay lập tức, chúng tôi liên hệ với đoàn để ghi hình. Trên không gian nhà sàn, một bình rượu cần đã được chuẩn bị để những vị khách từ phương xa thưởng thức. Đây là một loại đồ uống rất lạ và thú vị đối với những du khách phương Tây. Dù đi một quãng đường rất xa đến và đã thấm mệt, thế nhưng, đoàn du khách cũng rất hợp tác và thoải mái tham gia các cảnh quay, nhiệt tình tham gia ghi hình nhảy sạp giao lưu với dân bản đến tận 12 giờ khuya.

Đến ngày thứ hai, chúng tôi tiếp tục quay cảnh lao động, sản xuất, sinh hoạt của người dân và phỏng vấn du khách nước ngoài. Ngày hôm trước còn trời quang mây tạnh hôm sau đã bắt đầu xám xịt và có những hạt mưa nhỏ. Theo dự báo, có thể sẽ có mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhưng vì mong muốn hoàn thành tốt công việc, đoàn chúng tôi vẫn tiếp tục công việc.

Về chiều trời bắt đầu mưa nặng hạt, những cơn mưa nối tiếp nhau  chỉ sau vài phút. Nhiều cảnh quay ngoài trời trong kịch bản đành gác lại.

Vì áp lực về tiến độ công việc, ngay trong đêm 10/10, tôi đề xuất với anh Hà Văn Thiệp, bí thư chi bộ, tổ chức họp dân bản và những cảnh quay tái hiện công việc vận động người dân làm du lịch cộng đồng. Sau hơn một tiếng kêu gọi, anh Thiệp đã huy động được hơn 20 người tham gia ghi hình. Mặc dù mưa gió nhưng được sự ủng hộ của dân bản nên công việc cũng thuận lợi.

Anh Hà Văn Thiệp tâm sự: “Cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong”. Anh đã đến từng ngõ, gõ từng nhà, vận động xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Ban đầu, trong số 18 hộ đảng viên, anh đã vận động thành công 5 hộ đủ điều kiện làm du lịch cộng đồng. “Có rất nhiều khó khăn khi làm du lịch: bắt đầu từ đâu, làm như thế nào, kết nối với các công ty du lịch để có khách ra sao, rồi, cách chăm sóc khách như thế nào cho đúng, ngoại ngữ cũng là một trở ngại lớn… Tuy nhiên, những cái đó có thể khắc phục bằng sự quyết tâm, điều trở ngại nhất là việc này có được người dân ủng hộ hay không? Chính vì vậy, để thuyết phục thì các đảng viên phải làm trước”, anh Thiệp cho biết.

Để phát triển du lịch cộng đồng, chi bộ bản Đôn cùng với Ban quản lý bản đã vận động người dân giữ gìn nhà sàn truyền thống và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc; vận động các hộ dân xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn; phân công các hội, đoàn thể như chi hội phụ nữ, Đoàn thanh niên thường xuyên quét dọn đường làng, ngõ xóm và tham gia xây dựng đường giao thông; vận động người dân đưa chuồng trại nuôi nhốt gia súc ra xa nơi ở; cải tạo cảnh quan, tường rào xanh, sạch, đẹp… Từ chỗ phải vận động, dần dà, người dân trong bản đã chủ động tham gia.

Từ những hộ đảng viên làm thành công, đến nay, bản Đôn đã có 20 gia đình đăng ký và đủ điều kiện đón khách theo quy định của Hiệp hội lữ hành. Từ vài chục khách đến nay có từ một ngàn đến hai ngàn khách du lịch trong và ngoài nước về với bản Đôn.

Một cuộc “cách mạng” về tư duy làm kinh tế, ly nông bất ly hương đã thôi thúc những người nông dân từng quen với cái cuốc trên nương, con dao trên rẫy dần trở thành những người làm du lịch thực thụ và có cuộc sống ngày một ấm no hơn.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 12/10, nước từ trên núi đổ xuống như thác vì những cơn mưa to kéo dài suốt đêm. Những thửa ruộng bậc thang lúa đang chín rộ, ao cá, hoa màu… của người dân bị lũ tàn phá.  Đau lòng hơn, tại bản Đôn, một cụ già đã bị lũ cuốn trôi. Mất điện, hàng chục điểm sạt lở taluy trên các con đường vào bản… nên đoàn làm phim và hàng chục du khách đã bị cô lập ở bản Đôn. Chúng tôi vẫn cố hy vọng tình trạng này sẽ được khắc phục sớm, nên đoàn quyết định đi bộ từ trung tâm bản ra đường lớn để tìm cách ra trung tâm xã Thành Lâm. Tuy nhiên, mọi hy vọng bị dập tắt, chúng tôi đành ở lại và chờ được “giải cứu”.

Hết ngày 12/10, mưa to vẫn không dứt. Chúng tôi được biết, ở khắp nơi trong tỉnh mưa lũ đang gây ra tình trạng lũ quyét, sạt lở đất và lụt lội.

Đến ngày 13/10, những cơn mưa thưa dần, trời hửng sáng. Tuy nhiên, đường từ bản Đôn ra trung tâm huyện Bá Thước có hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng không thể khắc phục được trong một sớm, một chiều. Chúng tôi quyết định họp đoàn, anh Lê Văn Ban, lái xe, đồng ý ở lại bảo vệ xe và trang thiết bị, lúc nào đường thông sẽ ra. Đi đến quyết định ai đi, ai ở là hết sức khó khăn. Nếu ở lại, kinh phí đoàn làm phim đã không còn, những thành viên trong đoàn hầu hết đã mệt mỏi và muốn trở về bên gia đình. Sau một hồi nhờ sự trợ giúp, chúng tôi đã thuê được 7 chiếc “xe ôm” với giá không hề rẻ cho quãng đường hơn 10km. Sau khi ra đến trung tâm xã Thành Lâm, chúng tôi được chính quyền xã hỗ trợ phương tiện ra thị trấn Cành Nàng. Vì cơ quan đang tập trung phương tiện, con người cho công tác phản ánh tình hình thiệt hại và khắc phục thiên tai nên chúng tôi đã chủ động huy động phương tiện cá nhân đưa đoàn về cơ quan. 1 ngày sau đó, anh Lê Văn Ban cũng đã trở về an toàn.

Sau hơn 2 tuần khắc phục hậu quả lũ lụt, chúng tôi lại quay lại bản Đôn và hoàn thành những cảnh quay cuối cùng. Những thông điệp về “Nghị quyết du lịch bản” với những hình ảnh sinh động và âm thanh chân thực đã được truyền tải đến khán giả với sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn của tất cả thành viên trong ê - kíp làm phim.

Bá Phượng

 

Các tin khác:
  • Lăn lộn thực tế là cuộc chinh phục chính mình (15/02/2019-7:34)
  • Nhà báo có duyên với vùng cao (13/02/2019-20:26)
  • Hành trình thực hiện ký sự “Thanh Hóa tên đất, hồn người” (13/02/2019-11:07)
  • Nhấp chén trà xuân ngẫm 'nghề cầm bút' (11/02/2019-9:02)
  • Báo xuân và những đề tài chưa bao giờ cũ…. (31/01/2019-7:58)
  • Tìm đề tài cho báo xuân (31/01/2019-7:55)
  • "Quả đấm thép" của ảnh báo chí (29/01/2019-7:48)
  • Năm 2019 tiếp tục nỗ lực, tạo môi trường báo chí phát triển lành mạnh (19/01/2019-16:31)
  • Một sự chuyển dịch không thể khác được (17/01/2019-5:03)
  • Ảnh báo chí phải có nội dung, khơi gợi cảm xúc (16/01/2019-10:46)