Thứ ba, ngày 30/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Khi nhà báo... "vào vai" (22/02/2019-12:42)
    Nhà báo không lạ gì tình huống khi cần kíp phải “vào vai” một nhân vật thích ứng để khai thác đề tài hóc búa, nơi đang cất giấu nhiều thông tin, sự kiện có sức thu hút bạn đọc. Cái khó khác trong nghiệp vụ này là anh có dám “hy sinh” để “vào vai” không mặc dù sự “hy sinh” đó chỉ để phục vụ một phóng sự điều tra.
Phóng sự "Vào hang hùm" của tác giả năm 2012 - Ảnh: VT
 

Bắt đầu với món “quà” Tết

Năm 2012, Báo Tuổi Trẻ xây dựng tuyến bài cảnh báo về việc nuôi thú dữ tại gia như cá sấu, beo, tê giác. Tòa soạn giao cho tôi đề tài “hắc” nhất là viết về việc “nuôi hổ như nuôi lợn” đang diễn ra tại một số vùng làng ở Nghệ An.

Biết rất khó, nhưng tôi vẫn vào cuộc, vì đây là bài báo khá hấp dẫn về nghiệp vụ điều tra buộc mình phải “vào vai”.

Lúc đó, tôi vừa “ôm ấp” đề tài, vừa mở hết các “tần sóng” để kết nối thông tin cần biết về việc bí mật nuôi hổ ở hai huyện Yên Thành và Diễn Châu. Tôi hỏi anh bạn thân ở PC49 (Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh). Anh bạn hồi âm ngay: “Có đấy nhưng nếu phát hiện được thì báo gấp để bọn mình xử lý”.

Hụt hẫng, tôi quay sang một anh bạn ở Chi cục Kiểm lâm Nghệ An. Anh bạn này bật mí: “Không dễ gì mò vào được nhà nuôi hổ đâu. Cảnh sát môi trường rà như rà mìn mà cũng bặt tăm hơi”. Nói đoạn, anh bạn mách tôi một nước cờ “độc” là “tìm được ông T. sẽ biết hết, vì ông này vẽ được cả sơ đồ của làng nuôi hổ”.

Tôi xem như mình đã có vốn liếng để lên đường. Nhưng, trước khi sử dụng “vốn vay”, tôi sử dụng vốn của mình trước đã. Vào vai một ông chủ xây dựng, tôi “đánh” ô tô con đi mua cao hổ để làm quà Tết biếu các sếp.

Người đầu tiên tôi gặp là ông K. ở xã Đô Thành - huyện Yên Thành. Thấy tôi sơ vin, đầu hói, đeo kính đen bước xuống từ chiếc ô tô Nissan bóng loáng lại hỏi chuyện mua cao hổ nên ông K. tin. Trong quá trình ngã giá một lượng cao hổ, tôi “dò la” cao hổ này nấu từ hổ nuôi trong nhà, trong trang trại hay hổ rừng, hổ nhập từ nước ngoài.

Ông K. cho biết, cao hổ rừng hiếm lắm. Hổ nuôi trang trại chỉ có bên tỉnh Thà Khẹc, Lào. Đây chỉ có hổ nuôi nhốt trong nhà dân thôi. Tôi tiếp tục khai thác với việc ngỏ ý muốn chung với một vài người để “lấy một chân” (khoảng mười lạng) mới đủ biếu các sếp. Ông K. lắc đầu: “Muốn thế phải đặt cọc trước và chờ hội đủ người lấy được ba chân còn lại chứ muốn ngay bây giờ không được”.

Tôi hỏi tiếp: “Nếu tôi lấy một chân thì tôi muốn được tận mắt thấy con hổ từ khi thịt đến khi nấu thành cao, mới tin đó là cao hổ xịn nên không băn khoăn về giá cả 20 hay 22 triệu đồng/lạng”.

Ông K. lắc đầu: “Yêu cầu sâu thế không ổn đâu. Chỉ có người làng thân tín lắm mới vào được “hang hùm” chứng kiến cảnh làm thịt và nấu cao hổ, vì đây là nghề buôn lậu của họ. Nguyên tắc của chủ hổ là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Lỡ anh là công an thì họ “toi” à. Ở đây họ mắc một vụ khi khách từ Hà Nội đặt mua với số lượng nhiều. Khi họ “xuống” tiền, chủ hổ đưa cao ra thì khách rút thẻ công an và bắt quả tại trận nên giờ họ cảnh giác cao độ.

Để phục vụ một phóng sự điều tra, nhà báo có dám “hy sinh” để “vào vai” - Ảnh: TL

Chuyến đi này xem như thất bại. Chuyến hai, tôi ngồi xe khách đến cầu Lồi canh trạm kiểm soát giao thông 1/5 thuộc Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Nghệ An, đi xe ôm vào xã Đô Thành tìm ông T. Câu chuyện diễn ra trong một quán vắng bên bờ kênh Vách Bắc.

Thông tin của ông T. chứng tỏ ông là người “vẽ được sơ đồ của làng nuôi hổ”.

Tôi thắc mắc: “Chuồng hổ làm như thế nào. Sao dân nuôi được hổ mà vẫn an toàn. Những khi hổ gầm thét thì sao. Thức ăn của hổ là thịt bò hay thịt heo...”.

Ông T. hạ giọng, kể: “Thịt con gì hổ cũng ăn. Trước đây người nuôi hổ thường ra chợ làng “vét” hết các loại thịt, nhưng sợ bị lộ nên giờ họ sắm xe đông lạnh ra tận Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận mua hết thịt trâu, thịt bò, cổ cánh, chân gà về cho ăn dần. Còn hổ gầm ư? Không bao giờ nó gầm thét cả vì người ta thuần dưỡng con hổ từ khi mới mua về cỡ 5 - 6 kg. Giờ nếu vào nhìn, nó hiền lành không khác gì con mèo. Chỉ trừ khi thấy người lạ hoặc ốm đau hổ mới gầm gừ. Những lúc đó, người ta mở đài, ti vi thật to để át đi. Chuồng nuôi hổ có thể ở dưới hầm hay trong vườn cây che kín nhưng xung quanh xây tường cách âm. Người ta dùng thép B40 vây 15 - 20m2 làm chuồng. Cách vài mét là một ống tuýp làm trụ. Thế mới an toàn”.

Dừng câu chuyện, ông T. dẫn tôi đi qua cổng một trùm nuôi hổ ở xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu. Tại đây, tôi trở lại “vai” người đang cần mua cao hổ. Sẵn nồi cao hổ đang nấu, ông M. bảo tôi nghỉ lại, chờ sang ngày mai sẽ cô nồi cao này. Để lấy lòng tin của khách, đêm ấy ông M dẫn tôi vào phòng riêng rồi dùng xẻng xúc những tấm da hổ đang chất đống cách đây 6 ngày lên cho tôi tin.

Rất lạ là sau khi tôi nhập vai, ông M. không mảy may nghi ngờ nên tiết lộ mọi thâm cung bí hiểm về nghề nuôi hổ lâu nay của ông. Đêm khuya, ông còn dùng ô tô chở tôi đi qua hai cánh đồng để đến cơ sở nuôi hổ của ông ta với nhiều câu chuyện mua bán “động trời” khác mà tôi đã viết trong phóng sự “Vào hang hùm”, khởi đầu loạt bài “Nuôi thú dữ tại gia” trên Tuổi Trẻ ngày 24/2/2012.

Phóng sự "Ngựa thẩm mỹ" của tác giả năm 2014 - Ảnh: VT

17,5 triệu để viết một phóng sự

Năm 2014, một số tỉnh thành rộ lên chuyện mua bán cao ngựa, đắt giá nhất là cao ngựa bạch làm quà Tết sau cao hổ. Một tiệm cafe trong hẻm phường Trung Đô, thành phố Vinh, Nghệ An chuyên bán cao ngựa bạch rao giá với tôi: “Chỗ thân quen, tôi chỉ lấy 500.000 đồng/lạng, rẻ hơn giá thị trường nhiều”. Trong lúc đó, các “lái” ngựa cho rằng hiện nay rất hiếm thấy con ngựa bạch, nói gì đến cao ngựa bạch.

Ai hám mua cao ngựa bạch dễ bị ăn lừa như chơi. Đường dây “lái” ngựa chuyên sang Lào mua ngựa nâu về nhuộm.

Tôi qua Lào, tìm đến chủ nuôi ngựa nổi tiếng ở bản Păn, huyện Mường Pẹt, tỉnh Xiêng Khoảng (Thượng Lào), tên là Phông Sa Vít. Anh này có đàn ngựa 250 con, nhưng cũng chỉ có 5 con ngựa bạch còn lại là ngựa trắng, nâu, tía, đen, đỏ. Phông Sa Vít bảo, canh giữ ngựa bạch như canh giữ vàng mười bởi một con nặng 1,5 tạ có giá 20.000 USD, ngựa trắng chỉ 2,7 triệu kíp (tương đương 6 - 7 triệu đồng VN).

Biết tôi muốn tìm hiểu về ngựa bạch xịn, Phông Sa Vít giải thích: “Ngựa bạch có con mắt rất lạ, xung quanh con ngươi có một vành màu đồng đỏ. Tầm 12 giờ trưa, khi mặt trời đứng bóng, mắt ngựa bị loá, nên nó đứng yên như lim dim ngủ khoảng 10 phút. Ban đêm khi “bắt” ánh đèn, mắt nó đỏ như một cục lửa. Ngoài ra, mõm, móng chân ngựa bạch đều phơn phớt màu hồng, đẹp như tranh vẽ. Đó là tính chất cơ bản để nhận biết ngựa bạch xịn 100%”.

Hỏi chuyện cao ngựa bạch, Phông Sa Vít cười ồ và ghé tai tôi thầm thì. Đó là khi anh nói về một số người Mông ở cửa khẩu Nậm Cắn, huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) thường sang đây mua ngựa nâu về dùng kĩ nghệ nhuộm thành ngựa trắng, ngựa bạch để bán với giá cao gấp nhiều lần ngựa thường.

Theo địa chỉ của Phông Sa Vít, tôi vào vai buôn ngựa, đến xã Nậm Cắn tìm lái ngựa người Mông, tên Nh. hỏi mua ngựa bạch. Nh. bảo: “Ngựa bạch hiếm đấy nhé. Cần thì nhuộn (nhuộm) thôi. Mà nhuộn cho thành ngựa bạch cũng phức tạp đấy. Không chỉ nhuộn mắt, móng, mõm mà ngựa đực phải nhuộn cả bộ hạ của nó đấy. Ngựa cái thì nhuộn... cái ấy mới hoàn chỉnh”. Nhưng hôm đó, Nh. bận việc không “nhuộn” ngựa được nên giới thiệu tôi về lái ngựa khác tên Lan ở xã Thanh Long, huyện Thanh Chương.

Khi tôi vào cổng nhà ông Lan thấy một con ngựa trắng bông đang cột bên bờ rào. Ông Lan cho hay, ngựa trắng xịn mới “dắt” từ bên Lào về. Con ngựa nặng 1,5 tạ, 28 triệu đồng. Tôi hỏi mua ngựa bạch, ông Lan bảo “muốn ngựa bạch thì có ngựa bạch nhưng phải cọc trước 10 triệu đồng vì ngựa bạch đắt, mua về không bán được sẽ đọng vốn”. Theo ông Lan, con ngựa này trừ hơi và bộ da sẽ được 6 yến thịt, giá 150.000 đồng/kg. Còn 3 yến xương nấu được 3kg cao. Nếu bán 500.000 đồng/lạng thì cả thịt cả cao sẽ thu về 34 triệu đồng, lãi 6 triệu đồng.

Rời con ngựa trắng tôi đến địa chỉ thứ hai mà Nh. giới thiệu, đó là “lái” ngựa tên Khai, ở xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương. Trước khi tiếp xúc ông Khai, tôi vào quán nước bên đường thăm dò về thực hư ngựa bạch. Chủ quán nước réo thuốc lào, cười ồ ồ: “Làm gì có ngựa bạch chú. Mới đưa bên Lào về hôm trước, hôm sau đã nhuộm trắng toát dẫn xuống chợ bán. Buôn ngựa không nhuộm chỉ có điên. Thời này chỉ có ngựa nhuộm, ngựa lừa thôi”.

Biết tôi đang săn tìm ngựa bạch, ông Khai bảo thích thì tôi “thẩm mỹ” cho. Tôi ngỏ ý quay về nhà ông Lan để mua con ngựa trắng, ông Khai nói: “Ông ấy mua ngựa nâu ở đây mà. Con ngựa 1,5 tạ giá 14 triệu đồng. Mới nhuộm hôm qua đấy”. Dứt lời, ông Khai chỉ con ngựa nâu của ông rồi ra giá: “Con ngựa này nặng 1,6 tạ, giá 16 triệu đồng. Nếu muốn nhuộm thì “xuống” thêm 1,5 triệu đồng tiền thuốc và công nhuộm”.

Tôi đồng ý. Ông Khai vào bếp lấy hộp Lavox loại 1.000ml và hai gói bột trắng đổ vào xô nước rồi dùng que củi khuấy đều. Ông bảo, đây là thuốc vừa tẩy màu nâu lông ngựa vừa nhuộm trắng luôn. Miệng nói, ông vục bàn tay đeo găng nhựa vào xô thuốc, bôi lên con ngựa đang đứng rét run vì mới tắm. Xong ông dùng cái lược khổng lồ chải xuôi, chải ngược lông ngựa ba lần cho thuốc ngấm đều.

Sau khoảng 2 tiếng, con ngựa nâu “biến” thành con ngựa trắng y chang ngựa bạch. Đêm đó, tôi ngồi thức nấu cao và hoàn thành phóng sự “Ngựa “thẩm mỹ””, đăng trên Tuổi Trẻ ngày 19/3/2014. Dĩ nhiên, sau khi bài báo đăng thì tôi cũng hoàn vốn vì người mua thịt ngựa khá đông. Còn cao ngựa được tính ra giá thành 130.000 đồng/lạng./.

Theo Vũ Toàn/Tạp chí Người làm báo

 

 

Các tin khác:
  • Hiện tượng "báo in biến mất" và vấn đề phát triển tạp chí trong kỷ nguyên 4.0 (18/02/2019-21:07)
  • Chúng tôi làm phim “Nghị quyết du lịch bản” (15/02/2019-14:37)
  • Lăn lộn thực tế là cuộc chinh phục chính mình (15/02/2019-7:34)
  • Nhà báo có duyên với vùng cao (13/02/2019-20:26)
  • Hành trình thực hiện ký sự “Thanh Hóa tên đất, hồn người” (13/02/2019-11:07)
  • Nhấp chén trà xuân ngẫm 'nghề cầm bút' (11/02/2019-9:02)
  • Báo xuân và những đề tài chưa bao giờ cũ…. (31/01/2019-7:58)
  • Tìm đề tài cho báo xuân (31/01/2019-7:55)
  • "Quả đấm thép" của ảnh báo chí (29/01/2019-7:48)
  • Năm 2019 tiếp tục nỗ lực, tạo môi trường báo chí phát triển lành mạnh (19/01/2019-16:31)