Thứ bảy, ngày 23/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nhà báo với biển đảo quê hương
Trường Sa - đã gặp, không quên (11/07/2017-8:51)
    Viết về Trường Sa, càng về sau càng thấy những khó khăn, bởi thoạt nghe đến đề tài, đã thấy điệp trùng quen thuộc, bùng nhùng lối ra. Nhưng lạ, mà không hề lạ, dù có tác nghiệp tập thể, thì ai rồi cũng viết đủ đầy, dạt dào, trào dâng những niềm cảm xúc, góc nhìn mới lạ. Bởi quần đảo Trường Sa máu thịt với các đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc không bao giờ cũ xưa, xa cách...

Các nghệ sỹ giao lưu văn nghệ với chiến sỹ Trường Sa

1. Sáng ngày 07/5/2017, sau khi làm lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ Đoàn tàu không số năm xưa, những liệt sỹ thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; con tàu KN491 kéo 3 hồi còi dõng dạc, trầm hùng rời Cảng Cát Lái (T.P Hồ Chí Minh) tạm biệt đất liền, bắt đầu hành trình đưa đoàn công tác số 11 đến với quần đảo Trường Sa máu thịt của Tổ quốc.

Đó là tiếng còi tàu ầm vang báo hiệu rời cảng, nhưng sau này khi ra biển mênh mông rộng lớn, chúng tôi mới biết thêm nhiều cung bậc ý nghĩa nữa của tiếng còi tàu. Và chắc chắn, 3 hồi còi ở bến cảng, hải đảo hay giữa muôn trùng biển khơi ấy sẽ còn đọng mãi trong tâm trí những người nghe. Không chỉ là kỷ niệm khó mờ phai, mà còn là sự nhắc nhớ để mỗi người thấy cần thiết phải trách nhiệm hơn với cuộc sống, công việc của chính bản thân mình.

Lần đầu được lên con tàu kiểm ngư hiện đại, to lớn, vững chãi lênh đênh trên mặt biển trong suốt 10 ngày, ai cũng háo hức, ra hết hai mạn tàu, lên các boong, sân đậu máy bay trực thăng ngắm nhìn biển cả. Đó cũng là những địa điểm mà sáng sớm, chiều muộn hay tối khuya, các thành viên trong đoàn tụ họp nhóm nhỏ để chuyện trò, tâm tư, giao lưu văn nghệ… Cả những nghĩ suy, triết lý đời thường hay cao cả, những vấn đề trong nước hay thế giới, xa xôi hay rất đỗi gụi gần. Nhưng ai trong mình cũng có những nghĩ suy riêng tư, về những điều chỉ hôm trước thôi còn thấy rất đỗi bình dị, giản đơn mà hôm nay bỗng khác lạ, đặc biệt khi không có phương tiện gì để liên lạc với người thân. Để rồi, không ít người “bị” người thân trong gia đình trách yêu, vì tại sao lại không liên lạc được trong thời gian dài đến thế khiến người ở nhà âu lo vời vợi… Và, ngay cả đến Chỉ huy trưởng đảo Len Đao - đại uý Lê Bá Quyết cũng kể chuyện rất thật với lãnh đạo đoàn công tác rằng, hồi mới ra làm nhiệm vụ, vợ mới cưới chưa hiểu được tình hình nên cũng trách rằng “sao em gọi điện anh không nghe máy?”. Nhưng cũng chỉ một lần đó, rồi hiểu ngay rằng, vì nhiệm vụ, những cách trở nên không phải cứ thích khi nào gọi điện liên hệ cũng được, đặc biệt ở những đảo đá xa xôi nơi tuyến đầu Tổ quốc. Và vợ đại úy Quyết cũng như bao người vợ lính đảo khác cảm thông, chấp nhận những thiệt thòi, thầm lặng lo toan, gánh vác việc nhà... để chồng yên tâm công tác. Có lẽ chính vì vậy, khi Chuẩn Đô đốc Đoàn Văn Chiều - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, trưởng đoàn công tác - gặng hỏi có tâm tư gì thì chia sẻ, đại úy Quyết cũng chỉ mạnh dạn đề nghị rằng, nhờ các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, đặc biệt trên báo điện tử để “hậu phương” và nhiều người trong đất liền hiểu được thực tế ngoài đảo, và yên tâm chia sẻ để cán bộ, chiến sỹ nơi đảo xa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, giữ vững tay súng, bảo vệ vẹn toàn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc yêu thương…

2. Càng ra khơi xa, biển càng thẫm màu mực Cửu Long. Mênh mông rộng. Thăm thẳm sâu. Đôi khi sóng biển lớn hơn, mưa lắc rắc rơi, những áng mây phía tít xa chân trời cũng bớt trắng đi, thậm chí tối rầm ảm đạm... Con tàu to là thế mà bềnh bồng trên bốn bề đại dương thăm thẳm nước, cũng thấy nhỏ bé biết bao. Chỉ thấy mênh mông, tít tắp không gian phía chân trời. Đôi khi, cả sáng, trưa, chiều hay tối nhìn ra bốn bề cũng không khác gì nhau. Chỉ biển là biển, thẩm xanh. Không bóng dáng một con tàu, dù là tàu cá nhỏ xíu như những chấm mờ li ti trên mặt biển bao la, hay những tàu chở công - ten - nơ lừ đừ đi trên biển. Dấu hiệu nhận biết chỉ là mờ xa bốn bề chân trời kéo mây đen, trắng như hòa vào với biển. Hay những đụn, cột, cánh đồng mây với các hình thù khác nhau… Ai lần đầu lênh đênh dài ngày trên biển thế, trong điều kiện mạng Internet, sóng điện thoại không có, các thế hệ điện thoại thông minh bỗng chốc trở thành những “cục gạch”, vuột mất bao thông tin ồ ạt trên mạng, các thói quen hằng ngày trở nên lạc lõng, thừa thãi. Nhất là khi trời đổ mưa, không thể lên boong rộng rãi, lồng lộng nắng gió ngắm nhìn bốn phương. Bỗng thấy những giản đơn thường ngày trở nên cao quý biết bao. Thế mới thấu cảm những điều tưởng như nhỏ nhặt xưa nay trở lên quý giá nhường nào. Và rồi, khi chứng kiến cuộc sống thường nhật của các chiến sỹ hải quân ở đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn tuy đã đổi thay, khang trang, tốt hơn rất nhiều, nhưng cũng còn không ít thiếu thốn, chật vật mà vẫn luôn an lòng, kiên tâm, quyết gắng luyện tập, sẵn sàng nắm chắc tay súng, thà hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo máu thịt yêu thương nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, mới thấy suy nghĩ của mình đổi khác.

Và đôi khi, giữa mênh mông, bao la biển cả, thấy gì cũng trở nên bé nhỏ, mong manh. Mới thấy là đôi khi những suy nghĩ, lời nói, hành động của không ít người là rất đỗi bồng bột, thiển cận, thiếu chín chắn. Nhiều thành viên trong đoàn cũng nhìn nhận điều ấy. Và họ ý thức hơn để chỉnh sửa, từ những việc đơn giản như không chen lấn khi xuống xuồng rời đảo... Như ông Trần Văn Quốc Thịnh (Kho bạc Nhà nước tỉnh Hậu Giang) tâm sự rằng: “Hình như giữa biển khơi, con người trở nên thật bé nhỏ, mong manh và chỉ còn lại là sự đoàn kết, yêu thương, gần gũi”. Hay như tâm sự của nghệ sỹ Hồ Thị Tú Anh (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Kon Tum), rằng: “Là vợ của quân nhân, nhưng sau chuyến đi này tôi cảm thấy mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều so với vợ của các anh - những chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ biển trời quê hương của Tổ quốc”. Cũng chính Tú Anh, dù sợ độ cao, dù huyết áp thấp vẫn quyết tâm lên nhà giàn Huyền Trân (DK1/7). Nhưng rồi cũng đành khóc ngất vì độ cao chóng mặt, vì không thể biểu diễn cho các chiến sỹ tại đây. Cũng như Tú Anh, thật không khó để lý giải rằng các thành viên Đoàn Nghệ thuật tỉnh Kon Tum chỉ trong mấy ngày, đi biểu diễn ở trong phòng hay hành lang, có sân khấu hay không sân khấu, có nhạc hay chỉ đệm ghi-ta vẫn hát đầy say mê, hứng khởi những bài về biển, đảo quê hương, về Tây Nguyên hùng vĩ, thương yêu. Và họ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi, nhàm chán. Cũng như chúng tôi hằng ngày, hằng đêm nghe đi nghe lại các bài hát ấy, dù là qua loa trên tàu kiểm ngư hay trực tiếp, vẫn thấy trào dâng những niềm cảm xúc tươi mới, hào sảng, nhất là các các bài “Nơi đảo xa”, “Gần lắm Trường Sa”, “Tổ quốc gọi tên mình”, “Nơi ấy là Trường Sa”, “Sức sống Trường Sa”…

Và đôi khi, chỉ cần nghe nhạc, được giao lưu văn nghệ thôi, các chiến sỹ Hải quân như đã được tiếp thêm sức mạnh để vững chắc tay súng, vững tâm, kiên trung bảo vệ những phần máu thịt của Tổ quốc. Có lẽ cũng vì thế mà một người đàn ông như A Mơng (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Kon Tum) cũng không kiềm chế được niềm xúc động. Anh cho biết: “Các chiến sỹ không chỉ nắm chắc tay súng mà còn hát hay làm anh chị em văn nghệ sỹ chúng tôi rơi nước mắt… Tôi ước gì được đi lần nữa, để phục vụ nhiều hơn và hát hay hơn”.

3. Còn bao nhiêu điều khác, trước đây thường nghĩ là rất nhỏ nhặt, đơn giản thôi, nhưng có đến, có chứng kiến, tận thấy cuộc sống của các chiến sỹ nơi đảo xa, mới giật mình nghĩ lại. Và nghĩ khác. Như một thành viên trong đoàn khi chứng kiến lễ tưởng niệm các chiến sỹ đảo Gạc Ma đã giật mình viết những câu thơ thật chân tình, nhưng dường như đủ sức lay động, đánh thức lương tri những người đang ở đất liền, những thế hệ cháu con sau này. Trong bài thơ “Lễ tưởng niệm các liệt sỹ đảo Gạc Ma”, anh có viết rằng: “Thịt xương hòa với cát mềm/ Hồn thiêng hóa ánh sao đêm giữa trời/ Soi vào biển rộng ngàn đời/ Soi vào tiếng thét của người Gạc Ma/ Soi vào để lại xót xa/ Giật mình có lúc chúng ta tầm thường”...

Chẳng thế mà tôi vẫn nhớ như in, khi Chuẩn Đô đốc Đoàn Văn Chiều đọc lời tưởng niệm tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sỹ thuộc Lữ đoàn vận tải Hải quân (E83) tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 và các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc gần khu vực gần nhà giàn DK1/11, nhiều người đã không kìm được xúc động. Tôi để ý thấy Chuẩn Đô đốc Đoàn Văn Chiều tay cũng run run, giọng cũng như lạc đi khi nhắc lại câu chuyện tàu HQ-604 bị tàu chiến nước ngoài tấn công và bắn chìm, 64 sỹ quan, chiến sỹ hải quân và công binh đã anh dũng hy sinh nhưng thiếu úy Trần Văn Phương trong tay vẫn giữ lá cờ Tổ quốc và hô vang lời thề: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”, khi tất cả xiết chặt tay nhau, đứng thành vòng tròn bất tử giữa biển cả mênh mông, khiến quân thù khiếp sợ. Rồi sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ Hải quân tại nhà giàn Dk1/3 Phúc Tần, nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên mà đại úy Vũ Quang Chương, chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An trước khi hy sinh đã gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền”… Trong 2 lễ tưởng niệm đầy xúc động, ý nghĩa ấy, khi Chuẩn Đô đốc Đoàn Văn Chiều đọc lời tưởng niệm, có nhắc tới ý rằng, biển thì rộng và sâu mà sức người có hạn, Tổ quốc đã cố gắng rất nhiều, nhưng các anh vẫn nằm đó nơi biển sâu lạnh giá, rất nhiều người trong đoàn đứng trên sân bay của con tàu kiểm ngư không nén được lòng mình. Bật khóc. Nước mưa hòa nước mắt, ướt đẫm những khuôn mặt xúc động, chia sẻ, tiếc thương... Và những thời khắc thiêng liêng, cảm động ấy, khi 3 tiếng còi tàu trầm hùng vang lên giữa mênh mông biển trời, là bao cảm xúc đan xen, hòa quyện. Như những lời chào, những sự tri ân, tưởng nhớ, những trân quý chẳng bao giờ nhạt phai. Và cả những sự căm phẫn trước kẻ thù ngang ngược, và thấy quyết tâm, trách nhiệm hơn trong công việc của mỗi người. Phải trong không gian ấy, bối cảnh ấy, mới thấm đẫm những nghĩ suy, trăn trở, để thấy mình bé nhỏ và cần phải phấn đấu hơn rất nhiều, trước sự hy sinh anh dũng, ngoan cường, hiên ngang, bất khuất của các chiến sỹ Hải quân. Như bao đồng chí chỉ huy, chính trị viên các đảo chìm, đảo nổi mà đoàn chúng tôi đến thăm, đều hứa sẽ quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, nội dung huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, kiên tâm “còn người còn đảo”.

Có lẽ cũng chính vì vậy mà không ít thành viên trong đoàn khi lần đầu được tận thấy đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn; tận thấy cuộc sống của các chiến sỹ Hải quân đã càng thêm yêu biển, đảo quê hương và cảm thấy có trách nhiệm hơn với tình yêu lớn lao của cả dân tộc, bằng những việc làm khác nhau, như ý thức trách nhiệm, làm tốt hơn công việc của bản thân, giáo dục con cháu về tình yêu biển đảo.

Nguyễn Tri Thức

 

 

Các tin khác:
  • Tác nghiệp nơi đảo xa (11/07/2017-8:43)
  • Nhà báo với Trường Sa (19/06/2017-8:49)
  • Câu chuyện người lính đảo (12/06/2017-7:42)
  • Tác nghiệp nơi đầu sóng (15/05/2017-12:07)
  • Đồng hành cùng ngư dân bám biển (20/02/2017-7:42)
  • Ngòi bút của tôi phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân tộc, của đất nước (05/01/2017-6:36)
  • Kỷ niệm với Trường Sa (26/10/2016-21:19)
  • Tôn vinh ngư dân bám biển (20/08/2016-7:17)
  • Cờ Tổ quốc kéo cao trước mỗi chuyến đi (12/08/2016-14:15)