Chào cờ trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: TL
Màu xanh và sức sống mãnh liệt
Có đi Trường Sa vài lần, mới cảm nhận rõ nhất những đổi thay hàng ngày ở đảo. Không giống những gì người ta nhắc đến trước đây, rằng biển, đảo chỉ có nắng đến rát mặt và gió mặn đến khô người.
Nếu ai đến Trường Sa, ghé vào các đảo, ấn tượng đầu tiên sẽ là sắc xanh của cây cối. Còn nhớ, 4 năm trước, lần đầu đến Trường Sa, đảo chưa xanh như bây giờ. Nắng gắt, gió biển khiến cây cối ở đây phải có sức sống mãnh liệt lắm mới lớn được. Ấy vậy, mới cách đây mấy tháng, có dịp ra lại đảo, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Cây có mặt khắp nơi trên đảo, những Bàng Vuông, Phong Ba, Tra bám rễ trên nền đá san hô và cát, chống chọi với bão tố và nước mặn, cần mẫn đâm cành, trổ hoa, phủ xanh che chắn gió cho đảo. Xen lẫn đó, ở những đảo nổi như Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn... đan xen giữa những tán cây là các trụ điện năng lượng gió; còn trên những mái nhà, là những tấm pin năng lượng mặt trời, luân phiên nhau làm nhiệm vụ cung cấp điện cho mọi sinh hoạt trên đảo.
Trung tá Vũ Xuân Trường, Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây chia sẻ, cùng với cây xanh, so với trước, các công trình ở đảo đã được xây dựng rất khang trang, kiên cố. Đường sá đều được quy hoạch khoa học, bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại. Ở đảo, hệ thống điện được bảo đảm từ hai nguồn năng lượng điện mặt trời và gió. Cùng đó, hệ thống thông tin liên lạc thông suốt từ đất liền ra đến đảo, giúp người dân và các cán bộ, chiến sĩ nắm bắt, cập nhật thông tin liên tục.
Không chỉ ở các đảo nổi, mà đối với đảo chìm, việc bảo đảm được những điều kiện thiết yếu như điện, nước, thông tin liên lạc giúp mọi người cảm thấy gần gũi hơn với đất liền.
Ấn tượng hơn nữa là giữa biển khơi, những vườn rau thanh niên ngày càng xanh tốt qua bàn tay chăm sóc của các anh. Ở các đảo lớn, vườn rau được chia thành nhiều khu, do các cụm tự tay chăm sóc. Những đảo chìm, tuy nhỏ nhưng ngăn nắp gọn gàng, phân chia từng khu rất khoa học, có những vườn rau nho nhỏ, có bể chứa nước lớn và cả khu chăn nuôi gia cầm.
Rau muống, mồng tơi, ớt, cải xanh là những loại được ưu tiên tăng gia, bởi khả năng chịu mặn và thiếu thốn về nước tưới. Nước sạch chỉ phục vụ cho sinh hoạt thiết yếu, nên nước tưới rau được dùng lại từ nước thải sinh hoạt. Ấy vậy mà, rau xanh vẫn đâm chồi, nảy nở ngày qua ngày, giúp bữa ăn người dân, cán bộ thêm phong phú. Chúng tôi ra đảo, các anh mời bữa cơm, có cá, có thịt, rau đầy đủ, thi thoảng, còn có ít ốc nhảy, nhum, mực, bữa cơm ở đây thịnh soạn không khác gì ở nhà.
Vườn rau Thanh niên trên Đảo Trường Sa Đông. Ảnh: CP
Điểm tựa vững chắc cho ngư dân
Ngoài phát triển phục vụ đời sống quân và dân trên đảo, các đảo lớn như Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn... còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Với những ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa... đây là những ngôi nhà giữa biển để họ ghé vào khi giông bão hay gặp sự cố.
Mỗi năm, các âu tàu hướng dẫn tránh trú bão cho hàng trăm lượt tàu; tạo điều kiện cho ngư dân các tỉnh hoạt động khai thác hải sản trong khu vực. Tại đây, các ngư dân còn được cấp miễn phí nước ngọt, mua nhiên liệu bằng giá ở đất liền. Nhờ đó, từ khi các âu tàu đi vào hoạt động, việc đánh bắt cá ở quần đảo Trường Sa đã tăng mạnh.
"Mỗi lần ra khơi, chúng tôi phải lưu lại ít nhất 1 tháng, có khi 2, 3 tháng trên biển. Mỗi lần gặp bão, hay hết nước ngọt, lương thực là rất khó khăn, có khi phải về sớm. Nhưng từ khi có những âu tàu, ngư dân chúng tôi đã có hậu phương vững chắc, chỗ để nương tựa giữa biển khơi” - Ngư dân Hoàng Đình Luyến (tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ.
Cùng với cơ sở hạ tầng, vật chất, con người ở đây cũng vậy, luôn toát lên sự năng động, khỏe khoắn của người dân ở mảnh đất đang đổi thay từng ngày này. Đi một vòng quanh xã đảo Sinh Tồn, ở các hộ dân, chồng miệt mài đan lưới, vợ cần mẫn chăm sóc vườn rau, cho đàn heo ăn. Gần đó, lớp học đang ê a tiếng đánh vần của những em nhỏ, lớp học ít học sinh, nên thầy giáo cũng xem học sinh như con cái mình, chăm chút chỉ từng nét chữ. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ ra đây công tác từ năm 2013, lớp học chỉ có 9 học sinh, một mình thầy vừa dạy văn hóa, vừa kiêm luôn dạy hát, múa cho các học sinh. “Mấy đứa nhỏ ở đây lanh lợi lắm, sống ở biển, nên đứa nào cũng khỏe khoắn, năng động. Khả năng tiếp thu kiến thức của các em rất tốt, không hề thua kém so với các học sinh ở đất liền”, thầy Hạ tâm sự.
Đại tá Bùi Hải Phước, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết, trong điều kiện ở đảo xa, đời sống còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm, hỗ trợ của cả nước, diện mạo Trường Sa hôm nay đã có nhiều đổi khác. Nhiều công trình dân sinh như: nhà ở, trường học, bệnh xá, chùa, công viên, tượng đài, khu vui chơi giải trí... được tôn tạo, xây mới khang trang, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của quân và dân trên đảo. “Cùng với việc bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho quân và dân ở các đảo, Trường Sa luôn là điểm tựa vững chắc cho những ngư dân vươn khơi bám biển suốt nhiều năm qua, phát triển vững chắc kinh tế biển, khẳng định chủ quyền của đất nước. Tôi tin rằng, với sức trẻ của mình, Trường Sa sẽ ngày càng phát triển, đổi mới hơn nữa”.
Suốt những chặng hải trình, chúng tôi đã gặp rất nhiều lính trẻ lần đầu tiên đến với Trường Sa. Kiêu hãnh, vươn ngực trần trước nắng và gió trùng dương, tất cả họ đều ngời lên niềm tự hào khi được góp một phần sức trẻ của mình cho quê hương. Về đất liền, tôi vẫn nhớ mãi câu nói của cậu lính trẻ ở đảo Nam Yết: “Các anh cứ yên tâm công tác, ở ngoài này đã có tụi em”. Nghe hùng hồn, oai phong nhưng sao lại thân thương đến thế./.
Theo Hải Đình/Người làm báo