Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Báo chí dưới góc nhìn của một nhà văn (22/02/2017-8:10)
    (NLBTH) - Lưu Nga (ảnh dưới) - BTV Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh - người từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí, cũng được biết đến là một nhà văn với nhiều trang viết đẫm đượm chất văn. Ở chị, dường như mỗi đứa con tình thần là sự kết hợp khéo léo giữa “ông bố” báo chí và “bà mẹ” văn chương.

Người làm báo đã có cuộc trao đổi với chị xung quanh vấn đề này.

PV: Vừa là người viết văn, vừa là người viết báo, chị thích tư cách nào hơn?

- Tôi học Trường viết văn Nguyễn Du (nay là Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), nhưng suốt quãng thời gian là sinh viên, một phần vì đam mê, phần khác vì máu “liều”, nên tôi hầu như lại sống với vai trò là một nhà báo nhiều hơn. Từ năm thứ 4 đại học, tôi được nhận vào làm cộng tác viên chính thức cho báo Người Hà Nội. Mảng đề tài mà tôi được giao là văn hóa - xã hội. Với văn chương, tôi có thể tự do thả sức  “vẽ” những nhân vật, những câu chuyện của riêng mình, nhưng nghề báo lại đòi hỏi phải nhanh nhạy và tính chính xác cao. Sự thật là ngay hai cái “Nhà” trong một con người tôi lúc đó đã không thể tách rời nhau, nên có đôi khi tôi đã bị tình cảm cá nhân lấn át trong bài viết của mình. Chính thời gian làm cộng tác viên cho Báo Người Hà Nội, tôi mới bắt đầu ý thức rõ việc nhà văn viết báo cần viết gì và viết như thế nào. Chính vì thế, khi viết văn, tôi lấy bút danh là Ngân Hằng, khi làm báo, tôi lấy bút danh là Lưu Nga. Nếu cho tôi chọn, tôi vẫn thích được gọi là nhà văn làm báo.

PV: Sau khi tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du - nơi được xem là cái nôi đào tạo những người làm văn chương Việt Nam, chị được làm tương đối đúng nghề ở một tờ báo văn nghệ địa phương. Chị thích được gọi là nhà văn làm báo - thích nghề văn hơn nghề báo, thế nhưng giải thưởng về báo chí của chị lại nhiều hơn giải thưởng về văn chương. Chị lý giải thế nào về điều này?

- Các tác phẩm báo chí thường mang tính thời sự, đòi hỏi nhà báo phải hoàn thành tác phẩm trong khoảng thời gian ngắn, thậm chí rất ngắn, các cuộc thi viết báo cũng vậy, thường chỉ diễn ra trong thời gian không quá một năm. Trong khi đó, người viết văn phải mất thời gian dài, có khi rất dài, để có thể hoàn thành tác phẩm. Mặt khác, những cuộc thi viết văn vừa không nhiều, vừa có khung thời gian dài. Chính vì vậy, khi vừa viết văn, vừa làm báo, tôi đạt được giải thưởng báo chí nhiều hơn so với số giải tham gia các cuộc thi viết văn.

Xin được nói thêm, tôi đã tận dụng được lợi thế của nghề viết văn cho việc làm báo. Người viết văn cũng giống như người làm báo, đều cần thâm nhập thực tế đời sống xã hội lấy tư liệu tạo nên tác phẩm. Nhà văn sử dụng tư liệu của báo chí để dàn dựng được những câu chuyện dựa trên sự thật, nhất là để viết thể loại ký. Nhưng bút pháp của người viết văn khác với cách viết của người làm báo. Người viết văn khi làm báo biết làm mềm đi những tư liệu khô khan, dựng lên được những hình tượng sống động gần gũi với đời sống. Những bài báo được viết bằng ngôn ngữ, bút pháp văn học thường dễ đi sâu vào lòng bạn đọc. Nhưng dù là viết văn hay viết báo, mục đích chung vẫn là hướng con người và cuộc sống đến chân - thiện - mỹ, giúp xã hội phát triển tốt hơn. Ở cương vị nào tôi cũng luôn cố gắng để hoàn thành vai trò của một người viết, đem những tác phẩm hay đến độc giả của mình.

PV: Không so sánh giữa viết báo và viết văn công việc nào khó hơn công việc nào. Nhưng chắc chắn một điều, viết văn là một công việc khó nhọc. Trong khi độc giả văn học vốn đã ít, lại luôn kén chọn tác phẩm. Chưa kể đến cái khó của việc lựa chọn đề tài văn chương. Chị suy nghĩ gì về điều này? Liệu chị có phải “lấy báo nuôi văn” hay không?

- Đúng là công việc viết văn rất gian truân và khó nhọc. Khi viết văn tôi sống với thân phận của nhân vật mình, bởi vậy, cái nhìn của tôi thiên về tình cảm và sự gian truân của số phận con người. Với báo chí, nhập cuộc vào đó, tôi lại phải là người sắc sảo, nhanh nhạy, luôn phải chuẩn bị cho mình một tâm thế có cái đầu lạnh và ngòi bút nóng, để có thể đem đến sự chân thật cho bạn đọc.  Bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”, nên hiện nay rất nhiều người viết văn, đặc biệt là những người viết văn trẻ, thường có xu hướng viết báo nhiều hơn, vì báo chí có một sân viết rộng về đề tài và chế độ nhuận bút cũng dễ chịu hơn. Tôi cũng không là ngoại lệ.

PV: Lại nói chuyện đi thực tế, cả nhà văn và nhà báo muốn thành công đều phải xông pha trải nghiệm. Là nhà văn làm báo, kỷ niệm nào trong những chuyến đi để lại cho chị kỷ niệm sâu sắc?

- Tôi nhớ lần Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh tổ chức đưa cộng tác viên đi viết tham gia cuộc thi ký về chủ đề bộ đội biên phòng Thanh Hóa, vào tháng 8/2014. Tôi cùng một số nhà văn trong Hội VHNT Thanh Hóa hăm hở đến với Đồn biên phòng Bát Mọt cách thị trấn Thường Xuân hơn 60 km. Xe bon êm nhẹ trên đường trải nhựa, qua những vòng cua tay áo, mầu xanh cây lá ngút tầm mắt. Mưa rừng cứ bất chợt trùm xuống rồi lại tan nhanh. Khi chỉ còn 10 km nữa là đến nơi, đường đi trở nên khúc khắc, chỗ này thì đá nham nhở, chỗ kia thì bị đào bới hết cả lên. Có lúc chúng tôi đành phải xuống đẩy xe ô tô. Ì ạch mãi mới lên đến nơi, tạm thở phào. Mưa vẫn nặng hạt, cái mưa của chốn rừng thiêng buồn đến nao lòng. Tối mất điện, cả một khoảng không gian sấm chớp, dội đến tai chỉ còn tiếng ầm ào của mưa. Trời vừa tờ mờ sáng, sợ chậm trễ công việc, đoàn chúng tôi chia nhau theo chân các chiến sỹ biên phòng về các bản. Tôi là nữ nên được phân công vào một bản gần nhất cách đồn chừng 7 km. Đường vào bản chỉ nguyên một mầu đất đỏ, qua cơn mưa cứ sền sệt. Không thể đi bằng dép, bởi đường trơn và dốc, tôi vừa đi, vừa dò dẫm, quặp những ngón chân lại để khỏi bị ngã, mà da gà cứ nổi hết cả lên. Trầy trật mãi gần hết ngày, tôi mới có thể hoàn thành công việc của mình. Khi đã ăn uống và ngồi nghỉ ngơi, tôi mới phát hiện không chỉ mình, mà hầu như chân ai trong đoàn cũng đều bị phồng rộp cả lên, có anh còn bị chảy máu, lấy lá rừng băng vào vết thương.

Ngày hôm sau nữa, chúng tôi chia tay Đồn biên phòng vẫn trong cơn mưa như thác đổ ấy. Trước mắt chúng tôi, đường không ra đường, chỉ có một màu trắng xóa của nước xối xả chảy. Xe ô tô đành để lại, leo lên những chiếc xe máy của lính biên phòng mà vượt lũ. Có những đoạn đường đá sạt xuống chắn ngang, những chiếc xe máy lại phải vòng qua nhà dân mà đi. Tim tôi đập thình thịch, tay túm chặt áo chàng lính trẻ. Rồi một màn trình diễn xiếc ngoạn mục diễn ra ngay lúc đó, từng chiến xe máy lao vút qua, mặc cho đất bắng tung tóe. Đến một nơi được gọi tên là Bò Lết, tôi rợn người khi trước mắt chỉ là những dòng lũ chảy xiết. Từng tốp người quần áo xăn xéo, dựa vào nhau để vượt lũ. Người dân lấy tre, luồng làm đòn,“gánh” xe máy, đồ đạc vượt lũ. Khi được người dân dìu qua dòng lũ để sang, tôi vừa phải đi ngược nước, vừa phải nhắm chặt mắt bởi không thể kìm được nhịp tim đập loạn xạ vì sợ hãi, trong khi những đứa trẻ vẫn hồn nhiên nô đùa giữa dòng nước. Đoạn đường về đến trung tâm huyện Thường Xuân không bao xa, nhưng cả đi nhờ xe, cả đi bộ, chúng tôi mất trọn một ngày. Chứng kiến cảnh khốn khó của người dân nơi đây trong mưa lũ, ai ai trong đoàn chỉ biết im lặng, cái im lặng đến nhói đau ở lồng ngực mình.

Với tôi, những chuyến đi thực tế như thế thực sự là sự trải nghiệm sâu sắc, cần có, để viết nên những tác phẩm văn học và báo chí mang hơi thở của cuộc sống.

Phong Vũ (thực hiện)


 

Các tin khác:
  • Cần thêm sự tham gia của giới khoa học (20/02/2017-7:40)
  • “Báo chí độc lập quan trọng hơn giải thưởng” (20/02/2017-7:36)
  • Một số nguyên tắc khi tiếp xúc với các nhà báo (16/02/2017-8:55)
  • Nhà báo Hồng Vinh: Một trong những người xung kích đổi mới báo Đảng (14/02/2017-10:27)
  • Nội dung câu view trên báo chí sẽ không còn đất sống? (11/02/2017-11:41)
  • Chất văn trên trang báo ngày xuân (11/02/2017-10:18)
  • Xuân mới nhiều ước vọng… (11/02/2017-10:13)
  • Để nghề báo thêm vinh quang và cao quý (18/01/2017-8:31)
  • Báo chí đang nhìn lại mình và tìm hướng đi mới (18/01/2017-7:50)
  • Cái gì bền vững sẽ là bền vững… (03/01/2017-6:37)