Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Ngọc sáng vùng cao (17/01/2017-15:46)
    Sau bao lần lỡ hẹn, tôi lại có dịp lên với Pù Nhi để được ngồi bên bếp lửa nghe kể về những đổi thay nơi mảnh đất được mệnh danh là “thủ phủ thuốc phiện” một thời của huyện biên giới Mường Lát.

Trong cái lạnh mùa đông miền biên viễn, tôi thấy lòng mình ấm hơn trong sự hiếu khách của người dân vùng cao và cả trong  câu chuyện về một con người đã gắn bó cả cuộc đời mình với đất và người Pù Nhi. Đó là ông Lâu Gia Pó, Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi - người đã góp phần làm nên những cuộc “cách mạng” trong đời sống văn hóa của người Mông nơi đây.

Từ cuộc “cách mạng” phá bỏ cây anh túc...

Bên ấm chè đặc, Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi Lâu Gia Pó kể cho tôi nghe về một Pù Nhi nghèo đói, lạc hậu của nhiều năm về trước. Mỗi khi nhắc về quá khứ, ông Lâu Gia Pó kể như người ta kể về chính cuộc đời mình, bởi ông đã chứng kiến trọn vẹn những cảnh đời nghèo đói, những cái chết buồn thương bởi thuốc phiện. Ánh mắt nhìn xa xa về phía những ngọn đồi xanh mướt ngô lai mà trước đây ngập tràn cây anh túc,  ông Pó kể: trước đây, Pù Nhi chỉ có người Mông, người Dao và người Thái sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm đa số. Người Mông thường sống trên những ngọn núi cao, cuộc sống chỉ quanh quẩn với củ sắn, củ mài và bàn đèn thuốc phiện trong những ngôi nhà xiêu vẹo, ọp ẹp nằm lưng chừng núi. Khi đó, thuốc phiện nó len lỏi vào từng nóc nhà, người ta hút thuốc phiện như việc ăn cơm hàng ngày vậy. Từ người già, người trẻ, cả chồng và vợ cùng hút. Người ta trồng thuốc phiện như việc trồng cây ngô, cây lúa trên nương để sử dụng và bán nó như một thứ hàng hóa. Hoa anh túc ngập tràn những quả đồi và sau mỗi căn nhà. Đói nghèo, bệnh tật, lạc hậu cứ như căn bệnh kinh niên đeo bám mỗi nóc nhà của người Mông ở Pù Nhi.

Chứng kiến bà con mình khổ vì đói, khổ vì “nàng tiên nâu”, người cán bộ như ông luôn trăn trở phải làm thế nào để xóa bỏ thuốc phiện ra khỏi cuộc sống đồng bào Mông. Năm 1993, khi có Chỉ thị 06 của Chính phủ về phá bỏ diện tích trồng cây anh túc, ông Lâu Gia Pó đã cùng với cán bộ ban định canh, định cư huyện và công an, biên phòng đến tuyên truyền cho người Mông về tác hại của thuốc phiện; đồng thời vận động người dân phá bỏ diện tích trồng cây anh túc, thay vào đó trồng cây ngô lai, trồng  lúa để cuộc sống ấm no hơn. Đôi chân ông đã đi qua hầu khắp các bản làng để tuyên truyền, vận động đồng bào mình đoạn tuyệt với cây anh túc. Mỗi bản làng, mỗi con đường và mỗi căn nhà ở mảnh đất Pù Nhi đều in dấu chân Lâu Gia Pó. Và dần dà người Mông  hiểu được tấm lòng của bí thư Pó, nghe lời hay, lời đúng nên hàng trăm hecta cây anh túc được phá bỏ, những ngọn đồi cao được thay thế bằng màu xanh của rừng, của ngô, lúa. Bí thư Lâu Gia Pó bảo, khi đó việc vận động người Mông phá bỏ diện tích trồng cây anh túc là một cuộc “cách mạng” ở mảnh đất này, bởi nó thay đổi nhận thức của đồng bào Mông từ bao đời nay, mở ra một nguồn sáng mới trong cuộc sống của họ.

... Đến “cách mạng” văn hóa trong tang ma

Từ bao đời nay, trong nghi lễ tang ma của người Mông vẫn  còn tồn tại nhiều hủ tục cần được xóa bỏ. Khi trong nhà có người chết, Người Mông thường tổ chức tang ma kéo dài từ 5 - 7 ngày và mổ nhiều trâu bò, lợn gà gây tốn kém, lãng phí. Thi thể người chết không được đưa vào quan tài mà được treo trên một cái cáng (người Mông còn gọi là neng tua) treo sát vách gian nhà chính, cao hơn mặt đất chừng 1m. Việc để thi thể người chết lâu ngày trong nhà gây ảnh hưởng vệ sinh môi trường, dễ sinh bệnh dịch và không phù hợp với đời sống văn hóa mới.

Năm 2013, tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” và Pù Nhi được chọn làm xã điểm thực hiện đề án.  Để đề án đi vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả, bí thư Lâu Gia Pó đã bàn với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương  đưa việc thực hiện đề án vào nghị quyết và chương trình hành động của xã. Đồng thời phối hợp với các bản có đồng bào Mông sinh sống trên địa bàn huyện Mường Lát xây dựng các quy ước, hương ước, truyền dạy những bài ca truyền thống của người Mông. Ông đã trực tiếp đến từng hộ gia đình, từng dòng họ trong bản để vận động, tuyên truyền đồng bào tổ chức tang ma theo nếp sống văn hóa mới. Tấm lòng và sự cố gắng của bí thư Pó đã được ghi nhận và có kết quả, được bà con tin tưởng và nghe theo. Sự thành công lớn nhất đối với ông là vào năm 2014, đã có một đám tang người Mông đầu tiên đồng  ý tổ chức nghi lễ tang ma theo nếp sống văn hóa. Đó là đám tang của cụ Lâu Chứ Dơ, ở bản Pha Đén (xã Pù Nhi). Sau khi cụ Lâu Chứ Dơ qua đời, bí thư Pó cùng ban vận động tuyên truyền của xã đã đến gia đình vận động trưởng dòng họ Lâu và những người có uy tín trong dòng họ, gia đình cụ Lâu Chứ Dơ thực hiện tổ chức tang ma theo nếp sống văn hóa, đưa người chết vào quan tài, tổ chức tang ma đơn giản.

Ông Lâu Gia Pó bảo: Đám tang của cụ Lâu Chứ Dơ là sự khởi đầu cho cuộc “cách mạng” trong tang lễ của đồng bào Mông ở xã Pù Nhi sau này. Đến nay, ở Pù Nhi đã có 26 đám tang được tổ chức theo nếp sống văn hóa, ở 7 bản người Mông đã quy hoạch khu nghĩa địa tập trung. Pù Nhi đã thật sự đổi mới trong đời sống văn hóa, kinh tế, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của bí thư Lâu Gia Pó.

Cái tâm của cán bộ Pó

Trong câu chuyện kể của mình, bên cạnh niềm vui về một Pù Nhi đổi mới, bí thư Pó vẫn không giấu được những suy tư, trăn trở bởi cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù tuổi đã cao, đôi chân chẳng còn mạnh khỏe được như trước bởi căn bệnh khớp hành hạ nhưng mỗi khi làng, bản có những xung đột, mâu thuẫn hoặc vấn đề nảy sinh thì bí thư Pó lại cùng với cán bộ vượt núi, băng rừng đến nơi đó. Ông cùng với già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ cùng họp bàn cách giải quyết, nói cho người dân hiểu về cái hay, điều phải.

Nói về bí thư Pó, ông Lương Văn Xích, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi chia sẻ: “Anh Pó là một người lãnh đạo, người anh mà chúng tôi luôn kính trọng, nể phục bởi tinh thần trách nhiệm trong công việc, trong lối sống giản dị và gần gũi với nhân dân. Anh Pó là tấm gương sáng để những cán bộ như chúng tôi học tập và làm theo”.

Nhìn lại chặng đường đã qua, bí thư Pó hào sảng nói: “Mình là một người con của mảnh đất Pù Nhi này, mình làm được điều gì cho bà con thì mình cố gắng hết sức làm thôi. Để bà con tin tưởng và làm theo, trước hết người cán bộ phải gương mẫu, trách nhiệm. Khi bà con thấy được điều mình làm là hay, là đúng thì họ sẽ nghe theo mình thôi”. Bí thư Lâu Gia Pó đã sống và làm việc như thế!  Giờ đây, về mỗi bản làng của đồng bào Mông nhắc đến Lâu Gia Pó thì ai cũng biết, cũng nhớ. Già làng Lâu Xáy Pó (bản Na Tao, xã Pù Nhi) chia sẻ: “Lâu Gia Pó là người con của mọi gia đình ở Pù Nhi bởi chúng tôi hiểu và yêu quý cái tấm lòng vì dân của bí thư Pó. Trong tiếng Mông, Pó – là viên ngọc. Bí thư Pó chính là viên ngọc sáng của bản làng người Mông chúng tôi”.

Hơn 30 năm công tác, bí thư Pó luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, gần gũi gắn bó với nhân dân bằng cả cái tâm và cái tình, được nhân dân tin tưởng, quý mến. Bí thư Pó vinh dự được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh, huyện trong hoạt động công tác. Gần đây nhất, ông vinh dự được nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc do bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao tặng.

Linh Nga, (Đài TT – TH Mường Lát)

 

Các tin khác:
  • Nữ trưởng thôn hết lòng với công việc (16/01/2017-10:51)
  • Ông Quách Văn Hùng và mô hình đào cảnh ở vùng đồi Xuân Du (09/01/2017-14:53)
  • Nỗ lực phấn đấu vì sứ mệnh chăm sóc sức khỏe người dân (09/01/2017-14:51)
  • Người gieo chữ trên thượng nguồn sông Âm (04/01/2017-13:11)
  • Gieo mầm mơ ước (27/12/2016-13:54)
  • Gương sáng người Dao làng Tân Thành (13/12/2016-15:50)
  • Người đưa nghề, mở hướng làm giàu về quê (13/12/2016-15:49)
  • Người phụ nữ gương mẫu (13/12/2016-15:47)
  • Gương sáng cựu chiến binh làm kinh tế giỏi (23/11/2016-7:18)
  • Người cựu chiến binh gương mẫu (18/11/2016-10:49)