Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Người phát ngôn & nhà báo săn tin (16/03/2017-12:08)
    Sự hấp dẫn của báo chí, trước hết là tin hay sự kiện vừa, đang và sắp xảy ra. Có ai đó đã lập luận về nghề báo - nghề săn tin. Lẽ đương nhiên, báo chí chân chính, báo chí cách mạng, tin phải đúng, trúng và trung thực. Tin tức có trúng, có đúng thì định hướng dư luận xã hội mới chuẩn xác.

Tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh minh họa

Ngày 9/2/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết việc“Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước” là nhằm cung cấp thông tin trúng, đúng, chuẩn xác, kịp thời cho báo chí.

Người phát ngôn và chế độ cung cấp thông tin cho báo chí

Về lý luận, có tới hàng trăm định nghĩa về nghề báo, nhà báo. Lúc sinh thời, nhà báo Hoàng Tùng, một “cây đại thụ” của Báo chí Cách mạng Việt Nam định nghĩa nghề báo là nghề săn tin; nhà báo đồng nghĩa với săn lùng tin tức. Kỹ năng nghiệp vụ của nhà báo trong săn lùng tin tức muôn hình vạn trạng, tùy theo năng lực, phần nào đó có cả yếu tố đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt phải có các mối quan hệ xã hội sâu rộng.

Đối với báo chí cách mạng, tin tức đưa đến cho công chúng phải là tin tức chính thống, chuẩn xác, phù hợp với lợi ích nhân dân, lợi ích đất nước. Muốn có được điều này, các cơ quan hành chính Nhà nước có trách nhiệm và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí. Do vậy, Nhà nước ta đã có những quy định chặt chẽ về chế độ người phát ngôn, chế độ cung cấp thông tin cho báo chí. Quy định về “Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” là điều hết sức quan trọng đối với quyền được thông tin, quyền tiếp cận thông tin của nhân dân, của công chúng báo chí, giúp báo chí có nguồn tin chính thống từ các cơ quan hành chính Nhà nước để việc thông tin được chuẩn xác, trung thực, khách quan - điều cốt lõi của hoạt động báo chí chân chính. Thực hiện tốt chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí càng hết sức cần thiết, từ đó mà định hướng dư luận xã hội đúng đắn, tạo sự đồng thuận xã hội cao, nhất là trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin từ mạng xã hội như hiện nay.

Chế độ người phát ngôn, chế độ cung cấp thông tin cho báo chí không hoàn toàn mới đối với các cơ quan hành chính Nhà nước cũng như với các cơ quan báo chí và nhà báo. Điểm mới lần này được khẳng định tại Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ, so với Quy chế do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành năm 2013 là các điều khoản được quy định chặt chẽ, rõ ràng, ràng buộc trách nhiệm cụ thể, chi tiết hơn nhiều. Với sự bùng nổ và nhiễu loạn thông tin như hiện nay, đây chính là công cụ hữu hiệu tạo cho nhà báo “săn tin” chuẩn xác và đúng hướng. Rốt cuộc, việc các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, các cơ quan báo chí và các nhà báo tổ chức thực hiện hiệu quả, không hình thức, ai vi phạm sẽ được xem xét, xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.

Khi “cấm cửa” báo chí

Nghị định 09/2017/NĐ-CP, ngày 9/2/2017, của Chính phủ khẳng định, nơi nào, ở đâu, nếu có hiện tượng “né”, “cấm cửa” báo chí - bưng bít thông tin với báo chí và các nhà báo cần được xem xét, xử lý kịp thời.

Nhân đây, xin nói thêm về một cuộc họp báo “kỳ lạ” ngày 24/2/2017 tại Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, do phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer chủ trì: cấm cửa nhiều nhà báo và cơ quan báo chí, trong đó có New York Times (NYT), CNN, Politico... vì họ là “kẻ thù của người dân Mỹ”; trong khi nhiều cơ quan báo chí khác vẫn được mời. Giới truyền thông Mỹ phản ứng gay gắt, một số báo, đài tẩy chay cuộc họp báo và họ cho rằng, Tổng thống Donald Trump “đang kiểm soát tự do báo chí”. Quan hệ giữa truyền thông Mỹ với chính quyền Donald Trump căng thẳng, bất lợi cho giới báo chí tiếp cận các nguồn tin chính thống từ giới cầm quyền. Dư luận Mỹ và thế giới cho rằng, cuộc đối đầu giữa chính quyền với giới truyền thông Mỹ là điều “thiếu khôn ngoan của chính quyền Donald Trump” và “là điều rất không nên”, bởi “xã hội sẽ thêm rối loạn thông tin”, “sự đồng thuận sẽ giảm sút”.

Có thể giới truyền thông Mỹ đã có những thông tin cẩu thả, thông tin chưa khách quan việc này chuyện kia làm cho tân Tổng thống Donald Trump “nổi giận”, nhưng từ đó Nhà Trắng lại tìm cách “đối đầu” với báo chí, như chính giới nước này nhận xét là “lợi bất cập hại”. Cách tốt nhất như chính giới truyền thông Mỹ bàn luận gần đây là “chính quyền rất nên mở rộng cửa, cần cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí”. Chuyện nước Mỹ và báo chí nước này có sự khác biệt căn bản so với nền báo chí Việt Nam, thể chế chính trị Việt Nam, nhưng xét riêng về lý luận truyền thông và quan hệ công chúng, không thể không bàn đến trong thế giới phẳng, hiện đại và hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay.

Theo Hải Vân/Người làm báo


 

Các tin khác:
  • Chuyên tâm và cẩn trọng mới là yếu tố làm nên sự chuyên nghiệp khi viết báo (11/03/2017-7:17)
  • Báo Thanh Hóa hướng tới mô hình tòa soạn hội tụ (08/03/2017-21:55)
  • Báo chí dưới góc nhìn của một nhà văn (22/02/2017-8:10)
  • Cần thêm sự tham gia của giới khoa học (20/02/2017-7:40)
  • “Báo chí độc lập quan trọng hơn giải thưởng” (20/02/2017-7:36)
  • Một số nguyên tắc khi tiếp xúc với các nhà báo (16/02/2017-8:55)
  • Nhà báo Hồng Vinh: Một trong những người xung kích đổi mới báo Đảng (14/02/2017-10:27)
  • Nội dung câu view trên báo chí sẽ không còn đất sống? (11/02/2017-11:41)
  • Chất văn trên trang báo ngày xuân (11/02/2017-10:18)
  • Xuân mới nhiều ước vọng… (11/02/2017-10:13)